Sunday, 26 January 2014

Mứt dừa ^^


Tết năm nay mình cũng muốn làm gì đó cho có không khí tết một chút, thấy mọi người đua nhau làm mứt tết cũng ham ghê cơ. Lần trước mình đã làm mứt bí rồi nhưng mà mùa đông bên này kiếm đâu ra bí, mà mứt bí thì cả nhà cũng không hay ăn lắm, chỉ để làm bánh thôi :) Nghĩ đi nghĩ lại thì thấy mứt dừa nhàn hơn mứt bí mà ăn lại ngon hơn mứt bí nhiều, vậy nên mình đã nhờ mẹ mua hộ mấy quả dừa để làm mứt. 



Mấy quả như mình nghĩ thì chỉ là 4-5 quả thôi, ai ngờ mẹ gọi hẳn 10 quả dừa, choáng váng luôn... Cũng may là dừa bên này nhỏ ^^
Làm mứt dừa thì phải có dừa bánh tẻ mới ngon, dừa bánh tẻ không quá non và không quá già, rất thích hợp để làm mứt. Nếu làm bằng dừa già mứt sẽ không được dẻo và đẹp mắt như dừa bánh tẻ vì khi sên sẽ bị gãy do dừa già cứng quá.

Bên mình thì có dừa già, điều kiện bên này có dừa là may lắm rồi, đâu có được kén chọn dừa bánh tẻ hay dừa già. Vì làm mứt bằng dừa già nên mứt dừa hơi khô một chút và khi sên bị gãy, nhưng mà vẫn được mọi người khen ngon là được an ủi rồi ^^




Làm mứt bằng dừa già thì hơi mất công vì phải rửa và ngâm kĩ dừa cho ra hết dầu, dừa già rất nhiều dầu, nếu không ngâm để hết dầu thì mứt dừa sẽ không có màu đẹp. Bổ dừa già lấy cùi cũng khó hơn. Mình đây chỉ vì tội lười nướng dừa nên khi lấy cùi dừa nó tan tành thành nhiều mảnh làm mứt đã vụn lại càng vụn hơn. Chỉ lười 1 chút thôi mà khó khăn bao nhiêu, cùi dừa không đẹp mắt, tay thì chi chít vết xước do vỏ dừa đâm vào :) Mọi người đừng lười như mình nha ^^



Lọ mọ mấy ngày cuối tuần mình cũng làm ra được vài mẻ mứt dừa với 3 vị: mứt dừa trắng tự nhiên, mứt dừa lá dứa và mứt dừa cà phê.

Khi ướp mứt dừa mình có cho thêm chút sữa đặc, sữa đặc làm dậy mùi thơm của mứt, chỉ ngửi thôi đã thấy mứt béo ngậy rồi <3



Nguyên liệu:
1kg dựa nạo mỏng ( dùng dao gọt vỏ cà rốt để nạo sẽ rất dễ)
500g đường (không nên giảm đường)
50g sữa đặc
nước lá dứa, cà phêG7 3-4 gói ( có thể điều chỉnh lượng cà phê, tùy theo khẩu vị)

1. Ngâm và rửa dừa vài lần nước cho ra hết dầu, đến khi nước trong không còn bị phai màu trắng là được.
2. Ướp đường với dừa khoảng 2-3 tiếng hoặc qua đêm. (Cho thêm nước lá dứa hay cà phê nếu dùng)
3. Trước khi sên thì đổ sữa đặc vào trộn đều.
4. Sên mứt trên chảo với lửa to. Khi nước đường sôi và có phần hơi sánh lại thì giảm lửa nhỏ nhất. Thỉnh thoảng đảo đều. Khi đường bắt đậu kết tinh lại liên tục đảo mứt, sao cho cái sợi dừa không dính vào nhau. Liên tục đảo cho đến khi mứt khô lại, đường trắng bám quanh sợi dừa.
5. Lúc này mứt dừa không thực sự trắng lắm, đổ ra mâm hong 1 ngày, mứt sẽ trắng hơn.

Lưu ý: 
- Muốn mứt dừa có màu trắng thì cần phải sên mứt ở lửa nhỏ nhất có thể, như vậy sẽ phải sên lâu hơn một chút nhưng có thể tránh tình trạng dừa bị ngả màu. 
- Khi mà xunh quanh dừa bắt đầu có đường kết tinh lại, nhưng đường dính ở chảo bắt đầu chuyển màu vàng, nếu tiếp tục sên thì đường sẽ cháy và phai màu vào mứt, lúc này mình đổ mứt dừa sang 1 chảo mới và tiếp tục sên khô mứt thì mứt sẽ không bị ngả màu vàng.
- Làm mứt dừa thì nên bỏ công ngâm rửa dừa kĩ một chút cho ra hết dầu, mứt cũng sẽ có màu đẹp hơn.
- Muốn bổ vỏ dừa để lấy cùi sao cho dễ và không bị vỡ thì cho quả dừa đã chút nước ra vào lò nướng ở nhiệt độ 170°C trong 30 phút. Sau đó tắt lò cho lò nguội rồi lấy dừa ra. Dùng sống con dao to đập xung quanh quả dừa thật đều. Vừa đập vừa xoay tròn quả dừa cho vỏ dừa vỡ nứt ra.





Năm hết tết đến rồi, chúc cả nhà một năm mới an khang, thịnh vượng, nhiều niềm vui và nhiều hạnh phúc <3 <3 <3





Thursday, 23 January 2014

Bánh cá nướng - Taiyaki


Hôm nay 23 tháng chạp là ngày cúng Ông Công Ông Táo, may mắn là hôm nay mình đi học về sớm nên về đến nhà là tranh thủ quậy một mẻ bột để nướng bánh cá cúng ông Táo.

Taiyaki là một loại bánh pancake Nhật Bản hình cá tráp biển tuy nhiên đôi với mình thì những chú cá nướng này có hình dạng của những chú cá chép vàng nhỏ xinh, đáng yêu. :) Nhân bánh truyền thống là nhân đậu đỏ, tuy nhiên sau này Taiyaki cũng được biến tấu với nhiều loại nhân khác nhau và mới mẻ hơn như là trà xanh, socola, kem custard, có những nhà hàng còn làm bánh Taiyaki mặn gồm có rau, xúc xích, bạch tuộc.


Từ hồi làm bánh Taiyaki đến giờ mình chỉ chung thủy với một loại nhân duy nhất là kem custard, kem custard có độ béo ngậy vừa phải, thơm và rất hợp với Taiyaki. Mình thì rất thích ăn bánh nhân đậu, nhưng mình nghĩ nhân đậu chỉ hợp với những bánh bột nếp dẻo, còn nhân đậu với bánh pancake nướng như thế này thì có lẽ không phải là một sự kết hợp hoản hảo :)

Nướng một hồi cũng được 4 đĩa to <3

Để làm Taiyaki không quá khó, việc đầu tiên là phải có chảo hình khuôn cá, một công thức pancake ngon và loại nhân mà mình yêu thích. Tuy nhiên đối với mình thì sở hữu một cái chảo Taiyaki thật sự không dễ dàng chút nào. Vì quá mê loại bánh này mà mình đã chấp nhận nghiến răng đặt mua chiếc khuôn này qua ebay, vì hàng gửi từ Hàn Quốc sang nên tiền gửi đắt hơn cả tiền khuôn khiến ruột mình đau như ai cắt, nhưng khi làm ra mẻ bánh đầu tiên, cả nhà ai cũng thích thì mình thấy hài lòng lắm, chẳng tiếc nữa <3

Công thức bánh thì mình vẫn lấy của theo tỉ lệ của chị Khai Tâm, mình cho nhiều dầu ăn/ bơ hơn 1 chút và hơi nghịch ngợm làm theo cách khác, chỉ mong cái bánh nó xốp hơn, nở hơn. Không biết thay đổi như mình thì có bị gì không, nhưng bánh mình làm ăn vẫn được nên chắc là không sao :)

Nguyên liệu:
- 190g bột mỳ đa dụng
- 5g bột nở (baking powder)
- 5g muối
- 10g đường
- 300ml sữa tươi (không đường)
- 1 trứng (nhiệt độ phòng)
- 70g dầu ăn
- 1 chút vani
1. Đánh lòng đỏ trứng với sữa, dầu ăn. Sau đó cho bột mì đã trộn bột nở và muối vào đánh cùng.
2. Lòng trắng trứng đánh bông với đường.
3. Chia lòng trắng làm 3 phần và từ từ trộn đều vỡi hỗn hợp bột.
4. Sau đó đem bột đổ khuôn và nướng bánh thôi :)
Muốn bánh có màu đẹp và mịn thì khi nướng cần hơi tỉ mẩn 1 chút. 
Đây là 1 số tips khi mình nướng bánh để bánh có màu đẹp.
- Bột bánh cần cho vào 1 cái lọ giống như lọ bóp ketchup vậy, sau đó bóp từ thân con cá kéo đến đuôi. Mình thấy cho vào thìa không đẹp, rất lem nhem. 
-Khi đổ bột vào khuôn thì lên tắt lửa. Sau khi cho bột, cho nhân, phủ bột kín nhân rồi đóng khuôn lại, lắc đều cho bột dàn đều khắp 2 mặt.
- Trước khi đổ bột vào khuôn bánh, chảo cần được chống dính bằng dầu ăn, nhưng mình thấy nếu để dầu ăn dính vào chảo, thì bánh sẽ không mịn đẹp, vậy nên mình xịt dầu ăn vào chảo, nướng chảo cả 2 mặt 1 chút cho dầu ăn nóng và phần nào cũng dính vào khuôn. 
Sau đó lấy khuôn ra khỏi bếp, lau sạch những giọt dầu ăn bằng khăn giấy rồi mới đổ bột vào khuôn. Mỗi lần lấy bánh ra, cần lau sạch khuôn rồi mới đổ bột vào nướng mẻ tiếp theo. Nếu lau không sạch thì khi nướng mẻ tiếp, những vụn bánh cháy li ti sẽ bị dính vào cá nhìn sẽ không đẹp mắt.
- Lửa đều và vừa, quá to bánh sẽ dễ cháy, còn quá nhỏ bánh sẽ khó nở. 
- Chảo cá của mình có 2 phần khuôn không đều nhau, 1 dày và 1 mỏng ( chênh lệch không đáng kể, chỉ 1 chút), mình hay đổ bột vào phần dày, sau đó mới lắc đều cho bột tràn vào phần mỏng. Khi nướng bánh thì mặt bánh ở phần khuôn mỏng luôn chín nhanh hơn nên mặt khuôn mỏng mình nướng thời gian ngắn hơn mặt dày 1 chút. 
Đây là ảnh cái khuôn của mình chụp hồi mới mua, vì đặt mua ở Hàn Quốc nên được tặng cả mặt nạ dưỡng da :)




Sunday, 5 January 2014

Bánh giò ^^


Vào mùa đông, thời tiết lạnh như thế này, buổi tối mà ăn bánh giò cùng với tương ớt thì còn gì bằng nhỉ :) Nhân tiện nhà mình còn lá chuối từ hôm gói bánh khoai sọ nên mình làm mấy cái bánh giò, lâu rồi cả nhà không có ăn bánh giò. Bánh giò nhà tự làm tuy không giòn ngon như ở ngoài hàng nhưng nhân bánh lại thơm ngon và sạch sẽ hơn nhiều. Bột bánh thì mình dùng nước xương để quấy nên bánh có vị ngọt tự nhiên. Bánh giò cũng có thể dùng giấy bạc hay màng nilon thực phẩm để gói bánh, hay cho vào chén rồi hấp, nhưng với mình bánh giò mà không có mùi lá chuối thì coi như thiếu đi mất hương vị đặc trưng sao còn ngon nữa. Lá chuối đông lạnh bên này đắt dã man là đắt, thành ra khi gói bánh mình chỉ dùng có 1 lá, mà do đông lạnh nên lá cũng bị rách nữa. Ngồi gói bánh mà cứ mơ về vườn lá chuối nhà bà hàng xóm, vườn chuối rộng bát ngát của bà khéo phải gần trăm gốc chuối ý nhỉ ( chắc là không nhiều đến thế nhưng với cái đứa bé mấy tuổi như mình hồi đó thì chỉ biết là nhiều thôi) :D Sang lễ phép xin bà một câu thì có cả chục cái lá chuối to đùng tha hồ mà gói bánh, chứ chả phải nghĩ gói thế nào cho tiết kiệm lá. Mong có ngày được về Việt Nam để đi xin lá chuối về gói bánh <3





Nguyên liệu cho khoảng 10 cái bánh tùy to hay nhỏ.

Bột bánh:
50g bột gạo
100g bột năng
650-700ml nước xương
20ml dầu ăn
gia vị
Nhân:
200g thịt xay
30g mộc nhĩ
1 củ hành tây
2-3 củ hành khô/ hành
tím nhỏ
gia vị, hạt tiêu

1. Hành tây thái hột lựu, hành tím thái lát mỏng, mộc nhĩ ngâm nở rồi băm nhỏ, mình dùng luôn máy xay thịt để xay.
2. Đổ hành vào phi thơm, cho thịt vào xào cùng, cuối cùng mới đổ mộc nhĩ vào xào chung. Nêm nếm sao cho vừa ăn. Xào thịt ở lửa lớn để thịt không ra nước.
Nhân bánh cùng có thể để sống rồi vo tròn lại thành từng viên, như vậy khi gói bánh sẽ dễ hơn. Nếu làm nhân sống thì mình phi hành cho thơm, để nguội rồi trộn với thịt và mộc nhĩ, nắn thành từng viên tròn. Khi hấp thì sẽ hấp lâu hơn 1 chút, nước thịt khi chín ngấm vào bánh cũng sẽ rất ngon.
3. Bột gạo, bột năng, nước dùng và dầu ăn khuấy đều trong 1 cái xoong, nếu dùng xoong chống dính sẽ rất tiện. Bật lửa nhỏ, khuấy bột đều tay để bột không bị vón cục hay bị lắng xuống đáy xoong mà bị khét. Khi bột bắt đầu đặc lại thì quậy mạnh tay hơn. Khi bột đã đặc thì tắt bếp, quậy thêm 1 lúc cho bột mịn.
4. Gói bánh. Cắt lá chuối thành hình vuông tầm 25-30cm. Rửa sạch và trần qua nước sôi, để khi gói bánh lá sẽ không bị rách. Nếu dùng 2-3 lá chuối thì mình phải dùng dây để buộc bánh, nếu dùng 1 lá chuối, cần phải lót 1 màng nilon bọc thực phẩm xuống dưới rồi mới đặt lá chuối lên. Nếu đã lót màng nilon thì không cần dùng giây buộc.
Gấp chéo lá chuối thành hình tam giác, sau đó gấp chéo 2 đầu nhọn tạo thành hình phễu. Mở lá chuối đã gấp ra, mình cần tìm lớp mà có mặt lá chuối áp vào nhau, mở ra sẽ tạo thành  hình phễu, múc bột vào dần đều sát theo lá chuối tạo thành 1 cái lỗ để đổ nhân vào, múc thêm bột, dàn đều che kín nhân. Thìa dùng để múc bột và dàn bột nên nhúng vào dầu ăn để bột không bị dính vào thìa. Gói bánh lại, sao cho đáy bánh thành hình chữ nhật. 
5. Hấp bánh tầm 25-30 phút là bánh chín, tùy kích cỡ.



Nếu mình hấp bánh để ăn ngay trong ngày thì nên dùng lượng bột gạo nhiều hơn bột năng (100g bột gạo, 50g bột năng). Còn làm bánh để dành trong tủ lạnh ăn vài ngày thì nên cho bột năng nhiều hơn bột gạo (50g bột gạo, 100g bột năng), lúc đó bánh sẽ không bị cứng, để trong tủ lạnh, đem quay nóng, bánh vẫn rất ngon.







My Sweet Kitchen