Friday 28 March 2014

Bánh doughnut - Donut


Bánh donut là một loại bánh rán rất nổi tiếng của Mỹ, các mẹ, các chị yêu thích nấu ăn chắc hẳn cũng từng làm loại bánh này. Riêng mình thì đây là lần đầu tiên mình làm bánh donut vì donut khác với các bánh khác là phải rán chứ không nướng nên mình khá là ngại thử, mặc dù nhìn những chiếc bánh donut rất là đáng yêu ý. Chả hiểu sao thời gian gần đây em trai mình cứ muốn ăn loại bánh này và kêu mình làm. 

Hihi, lâu nay mình không dám làm donut vì là bánh rán nên mình sợ không ai tiêu thụ giùm mình, tự nhiên lại được một lời đề nghị như vậy thì mừng hơn bắt được vàng ý chứ. Nhân tiện hôm nay được tan học sớm, về đến nhà là mình lao vào nhồi bột, ủ bột, rồi chiên. Ngắm thành phẩm là những chiếc bánh vàng óng mà thấy thích quá à. Bánh donut phải ủ 2 lần, tuy hơi mất thời gian nhưng khi rán thì bánh lại rất nhanh chín. <3

Do nhà không có sữa bột nên mình thay sữa bột bằng bột custard lion, nhờ bột custard mà bánh vàng và thơm hơn. Lúc rán bánh xong thì mình có ăn thử, bánh mềm và thơm nhưng mà mình lại thấy bánh hơi bị nhạt, đang tính trong đầu là lần sau sẽ cho thêm đường, nhưng mà khi phủ bánh với chocolate ganache thì mình mới nhận ra là độ ngọt nhẹ của bánh rất hợp với chocolate ganache, đường bột, các loại sauce và glaze. Một sự kết hợp hoàn hảo. <3



Nguyên liệu:

Nguyên liệu khô:
- 400gr bột mì
- 80gr đường
- 1/2 tsp muối
- 50gr sữa bột/ bột custard lion

Chất lỏng:
- 80gr bơ chảy
- 2 trứng gà đánh tan
- 110ml nước ấm ( 20-35°C)
- 20gr men tươi / 2tsp (~6,3gr) instant yeast / 3tsp (~8,5gr) active dry yeast
- 10gr đường

1. Nghiền vụn men tươi cùng với đường. Đổ 1/2 lượng nước vào hòa tan và để nghỉ khoảng 15 phút cho men nở. Men còn tốt sẽ nổi váng lên như gạch cua, nếu men không nở thì cần phải làm lại.

2. Trộn đều bột mì, đường muối và sữa bột vào một chậu.

3. Đổ 1/2 lượng nước còn lại, trứng, men và bơ chảy vào nhào cùng bột. Bột nhào tay mất khoảng 30 phút, cho đến khi dàn bột được một màng mỏng mà không rách (mình dùng máy nhào thì mất độ 10 phút, còn tùy vào công suất của máy). 

4. Xịt dầu ăn vào một cái chậu, vo tròn bột rồi để bột vào chậu. Dùng nilon thực phẩm hay một cái khăn ẩm đậy lên, ủ bột đến khi bột nở gấp đôi (45 phút).

5. Sau khi bột đã nở thì dùng tay nhấn xẹp bột rồi nhào lại bột một chút. Cán bột mỏng tầm 0,5 cm rồi dùng khuôn cắt bột. Khi cắt bột thì dùng một khuôn to và một khuôn nhỏ để tạo lỗ ở giữa.

6. Đặt bột bánh đã cắt lên giấy nến có quết dầu ăn. Ủ thêm cho bánh nở gấp đôi (45 phút) rồi đem rán.

7. Đun sôi dầu (170°C đến 180°C) thả bánh vào rán vàng hai mặt vớt ra đặt lên rack hay giấy thấm dầu hút bớt dầu thừa của bánh.

8. Trang trí bánh với đường bột, chocolate ganache, sauce hay glaze.



Tip:

- Công đoạn thử men rất quan trọng đểu biết men còn tốt hay không. Nếu men không nở thì có thể là do men hỏng hay nước nóng quá làm chết men, nếu tiếp tùng dùng men không nở thì bánh sẽ bị hỏng. 
- Bánh sau khi ủ xong sẽ rất là mềm, khi rán bánh thì mình cần cầm bánh nhẹ nhàng rồi thả nhanh vào dầu ăn để bánh không bị mất hình dáng. 
- Giấy nến cần quết thêm 1 lớp dầu ăn như vậy khi lấy bánh sẽ dễ dàng hơn. Chỉ dùng giấy nến không thì bột bánh vẫn rất dính, khó lấy bột lên.
- Khi rán bánh thì cần canh nhiệt dầu ăn. Nếu nhiệt quá thấp bánh sẽ hút mỡ nhiều, nếu nhiệt quá cao màu bánh sẽ không đẹp.
- Thả nhiều bánh vào cùng một lúc sẽ giảm nhiệt của dầu vì vậy cần phải chú ý điều chỉnh lửa.







Công thức gốc: Chị Thùy Linh - 

Ivanizzac's Family Blog


Saturday 22 March 2014

Chè Thập Cẩm ^^



Chè - cái tên nghe giản dị nhưng lại rất đỗi ngọt ngào. Khi còn là học sinh chắc hẳn ai cũng yêu thích món ăn giản dị nhưng lại dễ gây nghiện đến thế. Chả vậy mà hồi mình còn ở Bắc Giang, con đường vào trường cấp 3 Ngô Sĩ Liên được gọi là phố chè vì cả dãy phố toàn là hàng chè mà quán nào cũng đông khách ý. Mình vẫn nhớ như in rằng chè bưởi ăn ngon nhất ở quán chè miền Nam đầu phố ( nhớ có lần mình đi qua vào ban ngày, họ đang chuẩn bị cùi bưởi để nấu chè bán buổi tối, vì nấu chè cần dùng nhiều cùi nên họ dùng bưởi non, cùi dày, quả bưởi bổ ra chỉ bé tí như quả cam ), còn chè thập cẩm và bánh mì pate cay mini hay xôi kem lại phải ăn ở quán giữa con phố cơ. :) Gần 6,7 năm nay mình không ăn chè ở đó chắc giờ đã thay đổi nhiều lắm rồi.

Tuy nhiên nếu chỉ nhắc riêng đến chè thập cẩm thì mình lại nhớ mãi cái quán chè đầu chợ gần nhà, quán chè nhỏ xinh của hai vợ chồng trẻ, quán của cô chú không có tiếng như các quán kia, cũng không có bán nhiều món chè Trung- Nam hay xôi kem. Cô chú chỉ nấu mấy nồi chè đơn giản để làm chè thập cẩm và bán riêng từng vị nếu ai có nhu cầu. Quán không có tiếng và lại ở đối diện trường cấp 1, mà học sinh cấp 1 cũng đâu có nhiều tiền nên giá 1 cốc chè cũng rẻ hơn. Mình nhớ hồi đó 1 cốc chỉ 1500 vnd hay cốc to là 2000 vnd thôi à.

Tuy hàng chè chỉ đơn có thực đơn giản dị là chè thập cẩm nhưng vì là món tủ nên ăn chè thập cẩm của quán cô chú mình vẫn thấy ấn tượng nhất, cũng là vì gần nhà và giá rẻ nữa.

Lâu lắm rồi không ăn nhưng mình vẫn nhớ chè thập cẩm của cô chú gồm có những loại chè như là : chè đỗ đen, chè đỗ đỏ, chè ngô, chè đậu xanh đánh nhuyễn, trân châu, thạch đen, thạch rau câu xắt sợi dài, mứt sơ ri (loại sơ ri miền nam), nước cốt dừa, dừa khô và dừa sợi tươi.



Có những lúc ngồi rỗi suy nghĩ vẩn vơ lại thấy nhớ cốc chè ngày xưa đến thế. Vậy là cuối tuần vừa hồi, sẵn tiện mình có bà chị đang mang bầu và nghén của ngọt nên hai chị em tụ tập nấu mấy loại chè liền. Tuy mình không làm giống y như cốc chè ngày xưa nhưng do tự tay mình nấu nên ăn cũng ngon lắm luôn. ^^

Món chè thập cẩm của mình gốm có : chè đỗ đen, chè ngô, đậu xanh đánh, nước cốt dừa, thạch đen, trân châu, dừa tươi nạo, chè sen, chè cốm ( thường thì chè thập cẩm không có 2 món chè này, nhưng mẹ mình thích nên mình nấu thêm, dù sao cũng là chè thập cẩm mà, ai ăn chè gì thì múc chè đó thôi ^^ ).
Món chè của mình bị thiếu mất 2 thành phần là chè đỗ đỏ và rau câu xắt sợi. :( Lần sau mình sẽ cố gắng nấu đủ ^^


Nguyên liệu chè thập cẩm:
- Chè đỗ đen
- Chè đỗ đỏ
- Chè ngô
- Đậu xanh đánh
- Nước cốt dừa
- Trân châu
- Thạch đen
- Thạch rau câu xắt sợi
- Dừa tươi nạo sợi.
- Dừa khô
- Mứt sơ ri miền nam.

Chè đỗ đen:

Đậu đen: 4 lạng
Đường: 400gr 
Muối: 1 thìa cà phê
Vani: 1 ống

1. Đỗ vo sạch, ngâm qua đêm với 1 thìa cà phê muối rồi loại bỏ những hạt đỗ hỏng.
2. Rang đỗ trên chảo 5 phút. Rang đỗ sẽ giúp đỗ nhanh nhừ và hạt đỗ không bị nát.
3. Cho nước vào luộc đỗ. Khi nước sôi thì đổ nước luộc đi và rửa lại đỗ bằng nước lạnh. Cách này sẽ giảm vị chát của đỗ.
4. Đổ đỗ và 2l nước vào nồi đun sôi, sau đó vặn nhỏ lửa ninh tiếp cho đến khi đỗ mềm.
5. Vớt đỗ ra và ướp đỗ với 200gr đường khoảng nửa tiếng nếu có thời gian. Khi đường tan thành nước thì chút đỗ cùng nước đường vào chảo và sên ở lửa nhỏ cho đường ngấm vào đỗ. Đảo ở lửa nhỏ đến khi nước đường cạn và hơi sánh lại.
7. Cho 200gr đường còn lại vào phần nước ninh đỗ, đun và quấy cho đường tan rồi đổ đỗ đen đã sên đường vào ninh thêm khoảng 15 phút. Thử hạt đỗ thấy đã mềm và ngọt thì tắt bếp và cho vani vào khuấy đều.

Cách nấu chè đậu đỏ cũng tương tự như vậy.

Chè ngô nếp: 

Ngô nếp khô: 2 lạng
Đường: 400gr
Nước: 2 lit
Bột sắn dây: 50gr

1. Ngô khô rửa sạch và ngâm qua đêm cho nở.
2. Vo lại ngô 1 lần nữa và cho ngô và nước vào nấu sôi, khi nước đã sôi thì vặn nhỏ lửa và cho đường vào khuấy tan. Ninh ngô thêm một lúc ở lửa nhỏ cho đường ngấm vào hạt ngô.
3. Hòa tan bột sắn dây với 1 chút nước lạnh (có thể lọc qua), chế bột sắn đã hòa vào nồi chè, quấy đều và đun đến khi sôi thì tắt bếp.

Đậu xanh đánh:

Đậu xanh không vỏ: 400gr
Đường: 200gr

1. Đậu xanh vo sạch, ngâm qua đêm cho nở.
2. Vo lại đậu xanh rồi cho vào nồi, đổ nước ngập mặt, mặt nước cao hơn đậu khoảng 1 đốt ngón tay.
3. Khi nước sôi thì vớt hết bọt rồi vặn lửa thật nhỏ ninh cho đậu nhừ.
4. Nấu cho nước cạn chỉ còn khoảng 1 nửa. Luôn chú ý đảo đều đậu cho đậu không bị khét.
5. Khi nước rút chỉ còn 1 nửa, tắt bếp, cho đường vào đánh đều. Có thể dùng thìa gỗ để đánh nhuyễn đậu nhưng mà mình cho vào máy xay, xay nhuyễn.
6. Khi xay nếu đậu khô quá thì cho thêm nước hay nước cốt dừa, nếu đậu nhão quá thì đổ ra bát một lúc đậu sẽ khô lại hơn. Thêm bớt lượng đường cho vừa ngọt.

Chè cốm:

- Cốm vòng: 200 gr
- Đường: 200gr 
- Nước: 1 lít 
- Bột sắn dây: 50gr 

1. Cốm nhặt sạch vỏ trấu, sạn rồi vo qua nước lạnh.
2. Đun sôi nước đường. Cho bột sắn dây hòa tan với 1 chút nước lạnh vào quấy đều đến khi nước sôi trở lại.
3. Rắc cốm vào nước đường, khuấy nhẹ đều tay cho cốm nở, nấu khoảng 5 phút là cốm nở.

Với những ai thích hạt cốm không quá nở và chìm xuống đáy bát mà chỉ thích hạt cốm nổi "lơ lửng" lên trên thì rắc cốm xong quấy đều là có thể tắt bếp luôn.

Chè sen:

Hạt sen khô: 300gr
Đường: 200gr
Nước: 1 lít

1. Hạt sen khô ngâm qua đêm cho nở. Rửa sạch rồi đem luộc chín.
2. Đường hòa với nước đem đun sôi cho tan đường. Sau đó cho hạt sen vào ninh mềm với lửa nhỏ để hạt sen không bị nát và đường ngấm vào hạt sen.

Các bạn cũng có thể ướp và xào hạt sen với đường giống như đỗ đen để hạt sen ngấm đường kĩ hơn.

Nước  cốt dừa:

Nước cốt dừa 1 lon : 400ml
Bột béo: 2 thìa súp
Đường : 60 - 70 gr đường

1. Nước cốt dừa hòa cùng với đường cho lên bếp đun lửa nhỏ.
2. Hòa bột béo với 1 chút nước lạnh cho tan rồi đổ vào nước cốt dừa.
3. Vừa đun vừa khuấy đều cho nước cốt dừa sánh lại thì tắt bếp.

Có thể thay bột béo dùng để làm sánh nước cốt dừa giống như bột năng và bột sắn dây, bột béo khác hai loại bột kia là có mùi thơm của dừa.

Trân châu:

1. Trân châu khô ngâm kĩ với nước lạnh cho nở.
2. Đun nước sôi rồi thả trân châu vào luộc. Vặn lửa nhỏ rồi đun chân trâu cho kĩ để chín bên trong nhân.
3. Trân châu chín trong và nổi lên thì vớt ra ngâm vào nước mát. Sau đó ngâm trân châu vào nước đường.

Thạch Đen:

- Thạch đen mua về xắt hạt lựu ướp với đường để tủ lạnh cho mát.

Thạch rau câu:

- Thạch rau câu làm theo hướng dẫn, cho bớt nước so với công thức cho thạch dòn hơn. Khi thạch đông dùng rao răng cưa cắt sợi ăn cùng với chè.


Chè thập cẩm ngon nhất khi ăn với đá bào nhỏ. Chọn các vị chè theo sở thích, chỉ cần mỗi vị một chút là ta đã có một cốc chè thập cẩm hoàn hảo rồi <3 <3 <3




Sunday 16 March 2014

Cơm rang "hải sản"


Lâu lắm rồi mình không có thói quen nấu ăn sáng. Nhớ trước kia cứ thứ bảy, chủ nhật là mình lại bày vẽ, cơm rang, mì xào, mì spaghetti cho hai chị em cùng ăn. Từ ngày bị cái bệnh thức khuya, dậy trễ là chẳng nấu nướng gì hết, cơm còn từ ngày hôm qua, cắm nóng lên, tủ lạnh còn thức ăn gì là hai chị em quay nóng lên là ăn thôi à.

Sáng nay mình siêng năng một chút nấu ăn sáng cho hai chị em. Nhà còn cơm nguội và mấy thứ đồ linh tinh trong tủ lạnh nên mình xào 1 chảo cơm rang thập cẩm dọn tủ lạnh. ^^

Món cơm của mình chẳng có một chút hải sản nào hết, nhưng mà sao tựa đề lại như vậy nhỉ? :) Chẳng là trong tủ còn vài cây xúc xích, mình lôi ra nghịch ngợm cắt thành hình bach tuộc, cua "nhiều cẳng" ( vì cắt bừa không biết có đúng là 8 cẳng không nữa ^^ ). Bạch tuộc và cua của mình cũng chẳng có mắt mũi gì luôn. :)

Hì hục một lúc mình cũng rang xong một chảo cơm đủ cho 3 người ăn ý chứ, nhưng mà đối với 2 chị em nhà mình thì chỉ là đủ cho 2 người ăn thôi. :)


Nguyên liệu là những gì còn lại trong tủ lạnh. ^^

- Cơm nguội : 3 bát
- Trứng: 3 quả
- Củ cải trắng: 1 củ
- Cà rốt: 1 củ
- Xúc xích : 3 cây
- Salami: 1 tệp tầm 200gr
- Gia vị: nước mắm, nước tương, bột nêm, mì chính, hạt tiêu.
- Dưa chuột ăn kèm.

1. Đập trứng vào cơm nguội và bóp nhuyễn cho cơm và trứng quyện đều với nhau. Đậy bát cơm lại và cho vào tủ lạnh.

2. Rau củ thái hột lựu.

3. Xúc xích cắt hình bach tuộc hay con cua, rồi đem luộc cho xúc xích tẽ ra, thành hình.
Xúc xích cũng có thể cắt hột lựu rồi xào chung với salami.

4. Salami cắt miếng nhỏ. Bắc chảo lên xào cho săn lại và ra mỡ. Sau đó đổ salami ra bát và giữ lại phần mỡ.

5. Dùng phần mỡ tiết ra từ salami để xào rau củ ( nếu ít quá thì cho thêm dầu ). Xào chín rau củ và nêm với 1 chút bột nêm. đổ ra bát.

6. Cho 1 chút dầu ăn nếu dầu ăn còn lại trong chảo ít quá. đổ cơm vào rang ở lửa to, đảo đều cho đến khi hạt cơm tơi ra thì thỉnh thoảng mới đảo, không nên đảo nhiều quá. 

7. Khi hạt cơm săn lại thì cho các nguyên liệu như xúc xích, salami, rau củ vào. đảo đều, nêm nếm nước tương hay nước mắm sao cho vừa ăn, không nên cho nhiều gia vị quá vì những nguyên liệu đã được nêm nếm khi xào rồi. Cuối cùng cho hạt tiêu và mì chính vảo đảo đều rồi tắt bếp.

Ăn kèm cùng dưa chuột thái lát. 



 
Tip:
 
- Rang cơm thì cần dùng cơm nguội và hơi khô. để cơm trong tủ lạnh qua đêm thì hôm sau rang cơm sẽ săn hơn.
 
- Bóp trứng với cơm rồi để tủ lạnh trong lúc chuẩn bị nguyên liệu khác sẽ giúp trứng dính đều vào hạt cơm và khi rang cơm cũng tơi hơn.
 
- Khi rang cơm cần rang ở lửa to, lúc hạt cơm tơi ra rồi thì không cần đảo nhiều quá.
 
- Rang cơm thì không nên dùng quá nhiều dầu, chỉ nên dùng một lượng vừa đủ, nếu sử dụng những loạt thịt nhiều mỡ như thịt ba chỉ hun khói hay sausage thì nên xào khô những nguyên liệu trên cho ra mỡ rồi dùng mỡ đó rang cơm.


Chúc cả nhà ngon miệng. <3

My Sweet Kitchen