Thursday, 11 June 2015

Bánh dâu tây - Wykwintny Truskawkowiec ^^


Bánh này có tên tiếng Việt là gì thì thực sự mình không biết, nhưng tên tiếng Ba Lan là "Wykwintny Truskawkowiec". "Truskawkowiec" là từ chung chỉ các loại bánh ngọt, bánh tráng miệng mà thành phần và hương vị chính là dâu.
Còn "Wykwintny" thì có nhiều nghĩa như là: sang trọng, tinh tế, đẳng cấp..... Nếu dùng chỉ món ăn thì có thể hiểu là món ăn tinh tế và có vị rất ngon. ;) Vậy nên mọi người có thể đặt tên món bánh này theo ý thích của mình nhé. :P

Mình tình cờ biết đến món này khi xem một clip dạy nấu ăn của một đầu bếp bánh ngọt của Ba Lan. Mình mê em ý ngay từ cái nhìn đầu tiên. Không những đẹp mà cách làm còn rất đơn giản nữa. Phần dâu chỉ đơn giản là dâu xay nhuyễn cùng đường và pha thêm gelatine, không cho thêm bất cứ chất béo nào như whipping cream hay là sữa chua vì thế món bánh này rất hợp với khẩu vị của mình. :)
Tuy chỉ đơn giản như vậy nhưng mà món bánh không hề kém ngon đâu nha ;) Nhờ mùi thơm tự nhiên của dâu tây mà bánh rất thơm dù không cho một chút hương liệu nào. :)

Tuy nhiên mình có thay đổi công thức một chút là thay vì mình dùng công thức bánh nặng trịch của bà ý thì mình công thức bánh bông lan cuộn để bánh mềm và nhẹ hơn. ;)

Khuôn:
Khuôn chữ nhật (khuôn bánh cuộn): 30x25
Khuôn loaf : 30x25( 25 là tổng chiều dài của 2 bên thành khuôn và đáy khuôn)

Nguyên liệu làm mousse dâu tây.
600gr dâu tây nghiền
5-6 tbsp đường bột (nếu dâu chua và nhạt thì cần cho thêm)
30gr gelatine bột

1. Gelatine quậy đều với một xíu nước lạnh và chờ cho gelatine nở.
2. Múc một chút dâu tây nghiền vào xoong nhỏ và đun nóng. Khi dâu nóng thì thả gelatine đã ngâm nở vào quậy tan.
3. Đổ ngược hỗn hợp dâu tây đã đun nóng vào hỗn hợp dâu tây nghiền.
4. Cho hỗn hợp vào tủ lạnh cho se lại để khi đổ vào bánh thì dâu không ngấm quá nhiều vào bánh.

Nguyên liệu làm bánh bông lan:

Lòng trắng trứng:
4 lòng trắng trứng
40gr đường
1/2 tsp nước cốt chanh

Lòng đỏ trứng:
4 lòng đỏ trứng
66gr bột mỳ
15gr bột bắp
40gr đường
35gr sữa tươi hoặc nước
35gr dầu ăn
1tsp bột nổi (có thể không dùng)

1. Đánh bông lòng trắng trứng với đường và nước cốt chanh.
2. Ở một chậu khác, quậy đều dầu ăn, sữa, đường.
3. Rây bột mỳ vào hỗn hợp sữa, dầu ăn rồi quậy đều.
4. Quậy đều lòng đỏ trứng vào hỗn hợp bột mỳ.
5. Chia lòng trắng trứng làm ba và fold đều với hỗn hợp lòng đỏ.
6. Đổ vào khay có lót giấy nến và nướng từ 10-12 phút ở 170 độ C.
7. Khi bánh còn nóng thì lập tức nhấc bánh ra khỏi khuôn to và đặt vào khuôn loaf.
8. Để bánh nguội trong khuôn.

Khi bánh nguội thì thả dâu tây quả vào và đổ hỗn hợp mousse dâu vào. Bọc khuôn bằng giấy bạc và cất vào tủ lạnh qua đêm cho bánh đông lại.

Lấy bánh ra khỏi khuôn:
Úp một cái thớt có lót một lớp giấy nến lên miệng khuôn. Sau đó lật ngược cả thớt và khuôn lại. Sau đó ta chỉ cần rút khuôn ra và gỡ bỏ giấy nến.

Trang trí bánh với đường bột và dâu tây. ;)

Tip:
- Nên chuẩn bị phần dâu trước và để tủ lạnh để cho dâu se lại và không bị quá loảng.
- Lòng trắng trứng cần đánh bông mềm, khi dốc ngược tô cũng không bị rơi xuống.
- Khi fold bột thì nên cho lòng trắng vào lòng đỏ chứ không nên làm ngược lại.
- Phần dâu này không giống thạch nên rất nhanh chảy vì vậy luôn phải bảo quản trong tủ lạnh.
- Phần bông lan có thể cho thêm vani.



Video demo ;)




Công thức gốc: Moje ciasto

Saturday, 30 May 2015

Đánh bông kem whipping.


Mấy năm trước lúc mới học làm bánh, việc đánh bông kem whipping là cực hình với mình. Lúc thì run tay đánh loảng quá lúc thì quá tay đánh tách nước luôn. Thành ra hồi đó mỗi lần tranh trí bánh kem toàn phải dùng kem bơ, ăn ngán mà vất vả.  :)
Nhưng sau vài lần thất bại tìm tòi trên mạng mình mới thử cách đánh này, đơn giản nhưng chẳng bao giờ hỏng cả. ;)

Nguyên liệu:
- 250ml kem tươi
- 25-30gr đường bột ( nhà mình ăn rất nhạt nên mọi người có thể tăng lượng đường lên).
1. Đổ kem vào âu. Hòa tan đường vào kem.
2. Cho cả âu kem và que đánh trứng vào tủ đá khoảng 10 phút.
3. Bỏ kem ra dùng máy đánh trứng bật tốc độ cao nhất đánh đến khi kem sệt dần, bắt đầu nổi những đường vân chạy theo sau que đánh trứng. Tuy nhiên liệu khi nhấc que đánh trứng lên thì kem vẫn loảng, chảy xuống. Lúc này là kem SẮP BÔNG. Nếu đánh bằng máy với tốc độ cao sẽ rất dễ tách nước.
4. Khi kem SẮP BÔNG thì ta có thể giảm tốc độ máy để dễ theo dõi hơn nhưng mà cách hay hơn cả là tắt máy đánh trứng chuyển sang đánh bằng tay. Dùng một cái phới lồng to để quậy kem. Vừa đánh kem vừa nhấc lên kiểm tra. Quậy cho đến kem bông cứng, nhấc lên tạo chóp nhọn.
Tip:
- Kem whipping cần phải có lượng béo ít nhất 36%.
- Kem whipping của các hãng chất lượng khác nhau. Mọi người có thể thử vài hãng để tìm ra loại kem thích hợp.
- Có thể đặt tô kem vào một chậu nước đá và đánh. Kem sẽ nhanh bông hơn. Tuy nhiên bên mình thời tiết khá mát nên không cần thiết.
- Âu đánh kem nên dùng loại hẹp nhưng cao thành hơn là đế rộng nhưng thấp. Âu cao thành không những làm kem bông nhanh hơn mà còn không bị bắn kem ra ngoài. Mình hay dùng loại nồi inox của Ikea.
- Đánh kem bằng tay đảm bảo an toàn là kem không bị tách nước nhưng mà nếu đánh quá tay thì kem sẽ bị rỗ. Lúc trang trí kem sẽ không mịn đẹp.
- Trường hợp kem bị rỗ thì mọi người có thể đổ một chút kem whipping chưa đánh vào quậy cho kem mịn trở lại.



Video cách đánh kem whipping:

Wednesday, 25 March 2015

Bánh Bao Rán


Bánh bao hay bánh bao hấp là một món ăn đã quá quen thuộc với người Việt Nam chúng ta thì bánh bao rán lại là món ăn khá mới mẻ và còn là một món ăn chơi của giới trẻ thời gian gần đây. Chiếc bánh bao vàng ươm được ăn kèm với dưa góp, nước chấm chua ngọt hay tương ớt.
Bánh bao rán là một gợi ý tuyệt vời cho món ăn chơi ngày cuối tuần. Ở nhà mình thì không phải ai cũng thích bánh bao hấp nhưng bánh bao rán thì ai cũng mê.



Nguyên liệu:
Bột cái:
- 170g bột mỳ
- 150ml sữa
- 2g men dùng ủ bột làm bánh mỳ (instant yeast)
- 5g đường
Bột bánh bao:
- Phần bột cái đã ủ qua đêm
- 170g bột mỳ
- 90g đường
- 10g bột nổi
- 20ml dầu ăn
- 3g muối
Nhân bánh bao:
- 200g thịt xay
- 1/2 củ hành tây
- 6-7 cọng hành lá
- 1 nắm miến
- 1 ít nấm hương
- 2 - 3 cái mộc nhĩ
Nước chấm:

- 50g đường
- Nước cốt của 2 quả chanh xanh hoặc 1 quả chanh vàng
- Nước mắm ngon
- 200ml nước ấm

Bước 1:
Trộn đều tất cả nguyên liệu của phần bột cái. Bọc kín và ủ qua đêm hay ít nhất 8 tiếng ở nhiệt độ phòng. Sau khi ủ đủ thời gian thì bột cái sẽ nở gấp đôi hay gấp 3, có lỗ khí và thoang thoảng mùi rượu.

Bước 2:
Cho lần lượt đường, dầu ăn, muối, bột mỳ và bột nở vào trộn đều với phần bột cái đã ủ.

Bước 3:
Đổ bột ra nhào đến khi bột thành 1 khối mịn màng và không dính tay. Để bột nghỉ 10 phút.

Bước 4:
Thịt xay nhỏ, mộc nhĩ nấm hương thái chỉ, miến sợi ngâm cắt nhỏ và hành thái hạt lựu. Trộn đều và ướp cùng chút gia vị.

Bước 5:
Bột bánh bao cán thật mỏng và bọc cùng nhân thịt. Để bánh bao nghỉ khoảng 20-30 phút.

Bước 6:
Làm nóng dầu trong nồi chiên hoặc chảo sâu lòng ở nhiệt độ 180 độ C rồi hạ lửa ở mức trung bình, thả bánh bao vào rán cho đến khi bánh chín vàng thì vớt ra. Không nên thả nhiều quá vì bánh bao sẽ nở ra gấp đôi.


Tips:

- Lúc đầu khi mới nhào bột thì bột có vẻ rất khô, nhưng không nên cho thêm nước hay dầu ăn quá sớm. Chúng ta nhào thêm một lúc thì bột sẽ tự ngấm dần vào.
- Bánh bao rán nên nặn nhỏ hơn khoảng 1/2 hoặc 1/3 so với bánh bao hấp. Vì bánh bao khi rán rất nhanh vàng, nếu chúng ta nặn to quá thì nhân bánh sẽ không chín.
- Nếu không có nhiệt kế đo dầu thì chúng ta có thể thử dầu bằng cách thả một viên bột nhỏ vào chảo dầu. Nếu viên bột dần nổi lên là dầu đã nóng.
- Khi dầu đun lâu thì sẽ nóng hơn nên ta cần điều chỉnh lửa sao cho phù hợp để bánh không bị vàng nhanh quá mà nhân thì chưa chín.
- Khi rán ta có thể để lửa nhỏ để bánh chín nhưng khi bánh gần được thì nên cho lửa to để bánh không bị ngấm dầu.
- Khi bánh nở thì sẽ dần nổi lên so với mặt dầu vì vậy chúng ta cần lật bánh và dìm bánh cho bánh được chín đều.
- Khi vớt bánh ra thì nên để bánh ráo dầu trên giàn sắt, rổ lưới sau đó mới lót giấy chứ không nên lót giấy ngay vì như vậy giấy sẽ hút nhiều dầu nhưng không thoát đi mà gây hiện tượng thấm ngược lại bánh vậy nên bánh sẽ bị ngấm dầu mà không giòn.
- Nguyên liệu ở phần nhân thì các bạn có thể thêm bớt cho hợp với sở thích. Khi ướp nhân mình đặc biệt có cho nước tương xì dầu để nhân bánh dậy mùi hơn.
- Các bạn hoàn toàn có thể làm bánh bao hấp với công thức này.
- Có nhiều bạn đọc xong công thức thì hỏi mình là bột cái là bột gì và mua ở đâu. Bột cái là bột mình tự trộn rồi ủ qua đêm sau đó dùng bột cái đó cho thêm nguyên liệu để nhào bột nặn bánh bao. Nguyên liệu để ủ bột cái đã có trong công thức.






Video demo cách làm:




                                                                                                Công thức gốc : Blog Khai Tâm

Tuesday, 24 February 2015

Bánh con sò - Madeleines


Bánh Madeleines là một loại bánh của Pháp thuộc dòng gateau cơ bản. Tuy nhiên bánh có thành phần bơ nhiều hơn nên bánh ẩm hơn bánh gateau thường. Ngoài ra bánh còn có vị ngọt thanh của mật ong và thơm của chanh. Rất nhiều người cho rằng bánh Madeleines tượng trưng cho tình yêu, vậy nên món bánh này cũng có thể là món quà đáng yêu vào dịp Valentine dành cho những ai không thích chocolate. Mình cảm thấy món bánh Madeleines rất lãng mạn, ngọt ngào nhưng vẫn rất nhẹ nhàng, mềm mại như tình yêu vậy. Có lẽ hình ảnh chiếc bánh Madeleines được chấm trong tách trà nóng, trong tác phẩm "In Search of Lost Time" của nhà văn Marcel Proust đã quá quen thuộc với những ai yêu văn học. :)



Khi đi tìm hiểu về loại bánh này thì mình đọc được một câu chuyện khá thú vị về nguồn gốc của bánh này. Theo như câu chuyện của mình đọc được thì là bánh Madeleines được đặt theo tên của cô hầu bếp trong cung điện ở Commercy của vua liên bang Ba Lan - Litva, công tước xứ Lorraine - Stanisław Leszczyński. 
Chuyện kể rằng vào một buổi tối năm 1755 vua Stanisław đã mở một buổi yến tiệc. Tuy nhiên có một sự cố xảy ra trong bếp khiến cho nhà bếp không chuẩn bị được món tráng miệng cho buổi tiệc. Có nguồn thì nói là đầu bếp các món ngọt bị ốm tuy nhiên có người lại nói là cô đầu bếp phụ trách món tráng miệng có mâu thuẫn với tất cả những người trong bếp và đã bỏ đi. Trong lúc rối ren như vậy thật may mắn là một cô hầu bếp trẻ đã còn nhớ công thức món bánh mà bà cô đã dạy lại cho cô. Thật may mắn là món bánh vàng ươm, nhỏ xinh, thơm mùi bơ lại chiếm được cảm tình của tất cả các quan khách trong bữa tiệc. Vua Stanisław đã lấy tên của cô Madeleine Paulmier để đặt cho món bánh Madeleines. Trước bánh nhỏ nhờ một sự cố tình cờ mà giờ đây đã trở thành món bánh thân thuộc và nổi tiếng khắp thế giới. Ở Việt Nam chúng ta có bánh bông lan quả bàng, cũng chính là một phiên bản của chiếc bánh Madeleines đáng yêu này. :)



Nguyện liệu:


3 trứng
100g đường
1 nhúm muối
130g bột mỳ đa dụng hoặc cake flour ( có thể thay bằng 80gr bột
 mì  + 50gr bột hạnh nhân)
3gr bột nở (baking powder)
Nạo vỏ của 1 quả chanh vàng (không bắt buộc)
5ml vani (không bắt buộc)
10gr mật ong
100g bơ nhạt, thái miếng mỏng, cho vào lò vi sóng quay chảy.  Để 
nguội.
Vặn lò 180 độ C
Đánh bông trứng với đường. Nếu dùng máy cầm tay sẽ mất 
khoảng 10 phút. Khi đánh trứng thì lúc đầu bong bóng sẽ rất to, 
càng đánh thì bong bóng sẽ nhỏ dần. Trứng bông là khi bong bóng 
mất hẳn, trứng bông đặc như kem, nhấc que đánh trứng lên thì ta 
sẽ thấy trứng chảy thành sợi dài.
Trộn lẫn bột mì, bột hạnh nhân ( nếu dùng), baking powder, và 
muối. Sau đó rây đều.

Rây từng chút bột vào hỗn hợp trứng sau đó trộn nhẹ nhàng theo 
một chiều. (fond bột)
Cho mật ong và vani (nếu dùng) trộn cùng bơ chảy. Múc một muôi 
bột vào bát bơ chảy rồi dùng thìa quậy đều.
Đổ hỗn hợp bơ vào hỗn hộp bột rồi trộn nhẹ nhàng.
Nếu dùng khuôn silicone tốt thì không cần chống dính, nếu dùng 
khuôn thường thì chống dính bằng cách quét một lớp bơ mỏng vào 
khuôn rồi rắc một lớp bột mỏng vào khuôn. Lật ngược khuôn gõ 
nhẹ khuôn cho bột thừa rơi ra
Múc từng thìa bột cho vào khuôn. Có thể dùng túi bắt bông kem để
phun bột vào khuôn. Tuy nhiên chỉ nên cắt đầu túi nhỏ để bột 
không bị chảy ra ngoài.
Cho khay bánh vào nướng 10 – 15 phút tùy lò. Thấy bánh nổi lên, 
se mặt, xăm tăm thấy khô là bánh chín.

Để bánh lên giá cho nguội, ngửa mặt vân lên trên. Khi bánh nguội 
thì rắc đường bột để trang trí.

Lưu ý:
- Bánh Madeleines làm không khó, để làm thành công món bánh Madeleines thì khâu đánh trứng là quan trọng nhất. Chúng ta phải đánh bông trứng thì bánh mới nở xốp và không bị chai, đặc, cứng.

- Bơ là một thành phần quan trọng trong món bánh Madeleines nên 
khi làm bánh này chúng ta nên chọn loại bơ ngon thì thành phẩm bánh sẽ rất ngon. 

- Trong công thức có vỏ chanh và vani. Tuy nhiên hai thành phần này có thể bỏ tùy theo khẩu vị của mỗi người. Mình bỏ vỏ chanh vì nhà mình không ai thích, mình bỏ vani vì mình thích giữ lại mùi thơm tự nhiên của bơ.

- Các bạn cũng có thể cho thêm một vài giọt nước cốt chanh để tạo vị chua nhẹ cho món bánh. 

- Bánh đạt yêu cầu là bánh nở phồng, có gò bánh hay cái núm nổi lên ở mặt sau của bánh. Bánh xốp mềm và ẩm nhưng không ướt. Bánh thơm mùi bơ.

Video cách làm bánh Madeleines.                                                                                         




                                                                                           Công thức gốc : Khai Tâm - Bếp Rùa  

Sunday, 5 October 2014

Xôi ngô - Duyensylwia


Xôi ngô hay xôi bắp là một món ăn rất dân dã hay được dùng để ăn sáng, vì xôi ngô cũng như các loại xôi khác được bày bán ở khắp nơi trên các con phố, nhanh gọn mà còn rất ngon. Riêng bản thân mình thì lúc nào cũng thích xôi ngô và xôi dừa nhất. Xôi dừa thì hơi ngọt nên ăn sáng sẽ không hợp được bằng xôi ngô.
Xôi ngô ngon là như thế nhưng nếu mà thiếu đi đậu xanh và hành phi thì sẽ chẳng có gì là ngon nữa. Ngô và nếp hòa quyền với nhau dẻo bùi, hành phi và đậu xanh thì giúp cho món xôi ngô không bị nhạt nhẽo, một sự kết hợp hài hòa. ^^

Hồi ở Việt Nam nhà mình chả bao giờ nấu xôi ngô, vì ít ai thắp hương bằng xôi ngô thành ra muốn ăn thì ra ngoài mua thôi, chỉ biết là nhiều người kiêng nhưng cũng không hiểu sao nữa vì mỗi người giải thích một kiểu.
Sang bên này vì không ai bán nên mẹ nấu xôi ngô nhiều hơn vì lâu không ăn nhớ lắm. ^^

Thường thì mẹ hay nấu xôi ngô bằng ngô khô bán sẵn nên chỉ cần ngâm nở là có thể nấu xôi, nhưng đợt này mẹ mua được mẻ ngô nếp to và ngon lắm nên mẹ muốn thử nấu xôi bằng ngô tươi. Nấu rồi mới biết, nấu xôi ngô không phải là chỉ cần tách hạt ngô ra là nấu được mà con phải xử lý ngô khá tốn thời gian mới có thể nấu xôi. Mới đầu mẹ và mình tưởng chỉ cần thế nhưng bà ngoại bảo là làm thế thì không khác gì món ngô luộc trộn xôi. Làm rồi mới thấy những món ăn giản dị của Việt Nam thật ra rất kì công. ^^


Nguyên liệu:

1kg gạo nếp ngon
200gr đỗ xanh
3-5 bắp ngô nếp tùy to hay nhỏ
hành tím
muối
vôi ăn trầu

Chế biến hạt ngô:

1. Ngô nếp tách ra từng hạt rồi ngâm với nước 12 tiếng. Sau 12 tiếng loại bỏ những hạt nổi lên trên vì đó là hạt lép.
2. Vôi đã tôi pha với nước để lắng gạn lấy nước trong rồi cho ngô vào ninh khoảng 30 phút. Pha nước vôi theo tỉ lệ 1 thìa cà phê vôi với 1lít nước.
3. Đổ ngô ra rổ, xả nước và sau đó bóp hạt ngô cho vỏ ngô bong hết ra. Sau khi ninh với vôi, vỏ ngô sẽ mềm, khi ta bóp thì nó sẽ ra những cái màng bé li ti. Bóp cho sạch hết những cái màng đó. Vo lại cho sạch.
4. Ninh ngô với nước thường khoảng 15 phút cho ra hết nhớt.
5. Đổ ngô ra xả sạch, ngâm với nước vài giờ hoặc qua đêm, thỉnh thoảng thay nước nếu có thể.  Sau khi đã ngâm đủ thì có thể đem ngô đi nấu xôi hay chè.

Khi nấu xôi thì trước khi nấu nên ninh ngô với muối khoảng 15-20 phút cho đậm đà rồi mới trộn với nếp để đồ xôi.

Nấu xôi:
1. Gạo nếp và đỗ xanh vo sạch, ngâm với muối qua đêm.
2. Trộn nếp, ngô cùng với muối sau đó cho vào trõ hấp chín.
3. Đỗ xanh đem hấp chín rồi giã nhỏ và nắm thành từng viên tròn.
4. Hành tím thái lát, phi vàng.

Khi ăn thì dùng dao thái đậu xanh thành từng lát thật mỏng đặt lên trên xôi và rắc hành phi.

Tips:

- Đỗ xanh chỉ hấp và giã nhỏ chứ không nấu vì sẽ bị nhão.
- Nếu nấu bằng ngô tươi thì giữ lại vỏ ngô, cùi ngô, râu ngô cho vào dưới trõ cùng nước, như vậy xôi sẽ có nhiều mùi thơm của ngô.
- Ngô bên mình trồng là xứ lạnh nên ngô hơi cứng hơn ở nhà một chút, nếu ở nhà là ngô non mềm, dẻo thì có thể giảm thời gian ninh ngô.


Tuesday, 9 September 2014

Bánh da lợn


Bánh da lợn, cái tên nghe dân dã làm sao. Nghe cái bánh da lợn thì ai cũng nghĩ là bánh xuất xứ từ miền bắc ý nhỉ ( nếu là miền Nam thì phải gọi là bánh da heo chứ :P ), nhưng bánh da lợn lại là món bánh đặc trưng của Nam Bộ. 
Có nhiều người nói với mình bánh da lợn và bánh chín tầng mây là một, có người lại nói bánh da lợn và chín tầng mâu khác nhau vì bánh da lợn có đậu xanh còn bánh chín tầng mây thì không có đậu xanh. Thôi thì hiểu sao cũng được nhỉ. Ai thích ăn đậu xanh thì ăn bánh da lợn, ai không thích thì ăn bánh chín tầng mây. Như vậy cho dễ phân biệt. :D
Mình thì không thích lớp đậu xanh của bánh da lợn lắm, toàn bóc đi, nhưng mẹ mình thì lại thích có lớp đậu xanh bùi bùi. Vậy nên mình làm bánh da lợn chứ không làm bánh chín tầng mây. ^^


Phần bột xanh :
- 200gr bột năng
- 30 gr bột gạo
- 250 gr đường
- 425 ml nước lá dứa / nước lọc
- màu xanh/ pandan pasta (nếu dùng nước lọc)
Phần đậu xanh :
- 60 gr đậu xanh
- 50 gr bột năng
- 50 gr bột gạo
- 175 ml nước cốt dừa pha loãng
- 150 gr đường.

Cách làm :

Phần bột xanh

Lá dứa rửa sạch cho vào máy xay với lượng nước vừa đủ, lọc lấy nước bỏ bã, cân đúng lượng nước như công thức.
Trộn đều nước lá dứa với nguyện liệu còn lại và lọc qua rây cho mịn.

Phần đậu xanh:

Đậu xanh ngâm nở nấu chín nhừ, rồi xay nhuyễn cùng nước cốt dừa và đường.
Pha hỗn hợp đậu xanh xay cùng với những nguyên liệu còn lại. Lọc qua rây cho mịn.

Đun sôi nước và đặt xửng lên để hấp bánh. Dùng một chiếc khăn to buộc nắp của nồi hấp để nước không nhỏ xuống bánh.
Quết 1 lớp dầu vào khuôn đặt khuôn vào xửng, mở lửa trung bình. Đổ 1 lớp xanh vào khuôn đậy nắp để khoảng 5 phút, mở nắp ra đổ tiếp phần bột vàng vào, lại chờ thêm khoảng 7 phút nửa, tiếp tục mở nắp đồ phần bột xanh vào và hấp, cứ thế làm thành nhiều lớp như ý muốn. Sau khi bánh đả đỗ đủ lớp thì để hấp thêm khoảng 10 - 15 phút tuỳ theo bánh nhiều lớp hay ít lớp.



Ct gốc theo Thiennabep

Wednesday, 3 September 2014

Bánh nướng trung thu - Công thức nước đường, vỏ bánh và nhân thập cẩm.


Bánh nướng là món bánh khá nhiều người thích và đa số là thích hơn cả bánh dẻo vì bánh ít ngọt hơn. Mình nhớ hồi bé mình chỉ thích bánh nướng nhân đậu xanh trứng muối,nhưng từ khi biết làm bánh trung thu và làm thử nhân thập cẩm thì mới thấy bánh thập cẩm mới thật sự là ngon nhất. :)
Hôm nay mình viết bài chia sẻ cách mình hay làm, tuy là bây giờ thì có lẽ muộn mất rồi vì sắp hết mùa trung thu, nhưng mà mình cũng mong là bài viết của mình vẫn có thể giúp ích cho mọi người. :)


Nước đường

(Nước đường nên nấu càng sớm càng tốt, thậm chí, năm nay nấu cho năm sau.).

(A)
1kg đường
600ml nước nóng
2 lát chanh

(B)
200gr đường
50ml nước


Thực hiện
Cho nguyên liệu (B) vào nồi nhỏ, bắc lên bếp đun lửa trung bình
Trong một nồi khác, đun sôi 600ml nước
Khi đường trong (B) chuyển màu caramel, lắc tròn cái nồi (không được khuấy). (Tắt bếp cho caramel nguội bớt rồi mới đổ nước sôi vào, nếu không caramel bị sôi mạnh bốc hơi sẽ bắn tung tóe rất dễ bị bỏng)
Đổ nước sôi vào nồi caramel, cho 1kg đường và 2 lát chanh vào. Khi sôi, vặn nhỏ lửa và đun khoảng 45~60 phút, tới khi nước sánh lại
Khi nguội, cho vào chai, để dành tới khi cần dùng



Vỏ bánh (cho 20 bánh cỡ 50~60gr)

Nguyên liệu: 

200gr nước đường làm bánh nướng từ ct trên
1tsp nước tro tầu
1/4tsp baking soda
50gr peanut oil (có thể dùng dầu ăn thường nhưng dầu lạc giúp bánh mềm hơn)
320gr - 350gr bột mỳ

Cách làm:

1. Trộn lẫn nước đường, nước tro tầu, baking soda và dầu ăn vào một tô nhỏ. Để nghỉ 4 tiếng.
2. Trộn đều hỗn hợp nước đường và bột cho trộn đều, tới khi bột mịn mặt là được. Để bột nghỉ 30 phút.
3. Chia bột thành các viên nhỏ, theo kích cỡ của khuôn.




Nhân thập cẩm (Cho 12 cái bánh 100g hoặc 10 cái 150g)
120g hạt điều rang chín
120g vừng trắng rang chín
120g hạt dưa bóc nõn, rang chín
120g lạp xường loại ngon
120g mứt bí
120g mứt sen
100g mỡ đường
Lá chanh vài lá
Nước sốt trộn nhân
100gr nước đường bánh dẻo (nấu theo tỉ lệ 1kg nước -700gr đường)
1 tsp hắc xì dầu
10ml dầu mè
20ml rượu Mai quế lộ / rượu trắng loại ngon
50g bột nếp rang chín (bột bánh dẻo)
10gr ngũ vị hương (nếu dùng rượu trắng)

Cách làm
- Cách làm mỡ đường: 100g mỡ gáy, xắt hạt lựu, luộc sôi khoảng 3 phút, vớt để ráo nước rồi trộn với 2-3 thìa đường, xóc đều cho ngấm. Để mỡ đường nơi có gió để phơi cho mỡ đường trong lại là được. Nên làm mỡ đường trước 3-4 ngày.
- Mứt bí, mứt sen xắt nhỏ như hạt lựu.
- Lạp xường xắt nhỏ, lá chanh thái sợi

- Tất cả các nguyên liệu cho vào tô to, trộn đều với nhau.  Cho từ từ nước sốt đã trộn ở trên vào. Sau đó cho từng thìa bột bánh dẻo vào, vừa cho vừa trộn đều. Thử nắm xem các nguyên liệu có kết dính được với nhau chưa, nếu rời rạc thì cho thêm nước sốt. Nếu ướt quá thì cho thêm bột bánh dẻo. Khi các nguyên liệu có thể nắm lại chắc thành 1 khối là được. 
Khi nắm nhân xong, bọc kín và để nhân tủ lạnh qua đêm cho nhân cứng cáp sẽ dễ đóng bánh hơn.
Nên để nhân hơi có độ ướt chút xíu vì để tủ lạnh qua đêm nhân sẽ hơi khô đi phần nào.


Đóng và nướng bánh

Tỉ lệ nhân và vỏ bánh nướng là khoảng 1/3 vỏ, 2/3 nhân. Vậy nên tùy theo kích cỡ khuôn thì nên chia nhân như sau.
Tỉ lệ vỏ và nhân này mọi người có thể thay đổi một chút nếu thích ăn nhiều vỏ hơn.

Khuôn 100gr: 35 vỏ, 65gr nhân
Khuôn 125gr: 45 vỏ, 80gr nhân.
Khuôn 150gr : 50vỏ, 100gr nhân
Khuôn 200gr: 65gr vỏ, 135gr nhân
Khuôn 250gr: 85gr vỏ, 165gr nhân

1. Dàn mỏng vỏ bánh và bọc nhân vào, miết khéo để không khí không lọt vào.
2. Đóng khuôn, nên áo một chút bột áo cho đỡ dính.
3. Lò làm nóng trước, nhiệt 175C-180C (tùy theo bánh cỡ to hay nhỏ và tùy từng lò mà điều chỉnh nhiệt cho phù hợp)
4. Cho vào lò nướng khoảng 5-10 phút (tùy cỡ bánh), tới khi vỏ bánh se lại, màu vàng nhạt và có màu đục đục.
5. Bỏ khay bánh ra, xịt nước lên mặt bánh, để nghỉ 10 phút rồi phết trứng lên mặt bánh, nướng tiếp 5-10 phút tới khi bánh vàng rộm là đc. Khi nguội bánh sẽ xuống màu đậm và đẹp hơn
Bánh nướng nên để 1, 2 ngày cho dầu từ nhân bánh ngấm ra lúc đó bánh mới mềm, ngon.

Cách nướng bánh khác của mình:

Nướng 200 độ C. Nướng 4 lần. Mỗi lần không quá 5 phút.

Lần 1:Nướng 2 lửa trong vòng 5 phút.
Lấy bánh ra xịt nước cho nguội. Nghỉ ít nhất 20 phút. Sau đó quết trứng.

Lần 2: Nướng 2 lửa trong vòng 5 phút.
Lấy bánh ra xịt nước cho nguội. Nghỉ ít nhất 20 phút. Sau đó quết trứng.

Lần 3: Nướng 2 lửa trong vòng 5 phút.
Lấy bánh ra xịt nước cho nguội. Nghỉ ít nhất 20 phút. Sau đó quết trứng.

Lần 4: Nướng lửa trên. Đặt 1 phút sau đó xoay chiều khay, nướng tiếp 1 phút. Sau 2 phút vừa nướng vừa trông, cẩn thận không sẽ bị cháy xém!!!!!!

Cách nướng bánh thì mình thấy mỗi người nướng khác nhau vì lò khác nhau, nhiệt khác nhau, cái này mọi người nên thử xem cách nào thích hợp nhất. Và mọi người lưu ý là nướng khay màu đen bánh bao giờ cũng nhanh vàng hơn khay sáng màu, nên khi nướng khay đen mọi người cần để ý nhiệt giảm đi một chút nếu thấy bánh nhanh vàng quá.







Nguyên nhân và cách khắc phục bánh bị mất nét:

1. Bột quá nhão cũng sẽ khiến bánh khi nướng bị mất nét, vậy nên khi trộn bột nếu bột bị ướt mình cần cho thêm bột. Nhưng ở ct này mình cho 350gr bột thì không còn hiện tượng bị nhão.

2. Bột quá khô cũng làm cho bánh bị mất nét, đồng thời sẽ xuất hiện những vết nứt, bánh không mịn màng. Bột bị khô do để lâu, mặc dù có bọc nilon những không tránh khỏi trường hợp bột khô và hơi dai. Thành ra mấy cái bánh gần cuối của mình do bột bị khô nên hoa văn cũng không đẹp và có những vết nứt. 
Nếu mọi người làm bánh 1 mình thì chỉ nên trộn mỗi lần theo như công thức, không nên trộn quá nhiều, đóng bánh không kịp sẽ bị khô bột, lúc đó bao bánh với nhân rất khó và nướng xong cũng không đẹp.

3. Quết quá nhiều trứng và dùng không đúng chổi. Khi ta quết quá nhiều trứng lên bánh, khi nướng trứng sẽ tạo thành bóng bóng, thành ra bánh nhìn không mịn màng đẹp mắt.
Có nhiều người quết bánh bằng chổi silicon nên hoa văn và màu bánh không hề đẹp. Chổi quết bánh nên dùng loại cọ lông mềm hay dùng để vẽ của các bạn mỹ thuật ý ạ. Mọi người chọn chổi lông sợi nhỏ, mịn và mềm, quết bánh rất đẹp.
Có thể nhiều người có tâm lý quết nhiều trứng cho màu đẹp nhưng sự thật không phải như vậy. quết vừa đủ. Khi nhúng cọ vào trứng thì không nên quết ngay lên bánh mà cần gạt hết nước trứng trên cọ đi ạ. Sau đó dựng đứng cọ theo góc 90 độ, quết nhanh lên khắp mặt bánh. Quết nhanh và vuông góc như vậy thì đầu cọ chỉ chạm vào những hoa văn nổi nhất và như vậy mặt bánh sẽ có màu sáng tối rõ rệt, giúp cho hoa văn nhìn nổi hơn.

Chọn khuôn: Khuôn bánh nướng khá dễ chọn, tất cả các hoa văn đều có thể đóng bánh rất đẹp. Hiện tại có khá nhiều loại khuôn đóng bánh trung thu như khuôn gỗ, khuôn nhựa, khuôn lò xo v..v. Bây giờ các mẹ/ các chị còn sáng tạo ra dùng khuôn ép cơm bento để đóng bánh rất dễ thương.

Khuôn nhựa thì chỉ cần rửa sạch là xong. Còn khuôn gỗ thì bảo quản cầu kì hơn và đóng bánh cũng lâu hơn.
Nên tránh rửa khuôn gỗ vì gỗ sẽ dễ bị cong. Chỉ nên rửa lần đầu khi mới mua về, sau đó để ráo rồi ngâm dầu ăn một tuần rồi vớt ra để ráo mới dùng. 
Mỗi lần dùng xong thì rắc bột mì vào khuôn sau đó dùng khăn giấy và chổi phủi sạch.
Sau mùa trung thu lại ngâm khuôn trong dầu ăn một tuần, vớt ra để ráo rồi cất đi. Tránh phơi nắng.

 Mỗi lần ngâm dầu như vậy, dầu sẽ ngấm vào gỗ và sẽ dễ đóng và bánh sẽ đẹp hơn. Vì lí do đó mà khuôn gỗ trung thu lâu năm rất quý. :)


(Công thức gốc: bakingfun (nguyệtva)
myaneme.net
 blog Opera Andee)

My Sweet Kitchen