Sunday 5 October 2014

Xôi ngô - Duyensylwia


Xôi ngô hay xôi bắp là một món ăn rất dân dã hay được dùng để ăn sáng, vì xôi ngô cũng như các loại xôi khác được bày bán ở khắp nơi trên các con phố, nhanh gọn mà còn rất ngon. Riêng bản thân mình thì lúc nào cũng thích xôi ngô và xôi dừa nhất. Xôi dừa thì hơi ngọt nên ăn sáng sẽ không hợp được bằng xôi ngô.
Xôi ngô ngon là như thế nhưng nếu mà thiếu đi đậu xanh và hành phi thì sẽ chẳng có gì là ngon nữa. Ngô và nếp hòa quyền với nhau dẻo bùi, hành phi và đậu xanh thì giúp cho món xôi ngô không bị nhạt nhẽo, một sự kết hợp hài hòa. ^^

Hồi ở Việt Nam nhà mình chả bao giờ nấu xôi ngô, vì ít ai thắp hương bằng xôi ngô thành ra muốn ăn thì ra ngoài mua thôi, chỉ biết là nhiều người kiêng nhưng cũng không hiểu sao nữa vì mỗi người giải thích một kiểu.
Sang bên này vì không ai bán nên mẹ nấu xôi ngô nhiều hơn vì lâu không ăn nhớ lắm. ^^

Thường thì mẹ hay nấu xôi ngô bằng ngô khô bán sẵn nên chỉ cần ngâm nở là có thể nấu xôi, nhưng đợt này mẹ mua được mẻ ngô nếp to và ngon lắm nên mẹ muốn thử nấu xôi bằng ngô tươi. Nấu rồi mới biết, nấu xôi ngô không phải là chỉ cần tách hạt ngô ra là nấu được mà con phải xử lý ngô khá tốn thời gian mới có thể nấu xôi. Mới đầu mẹ và mình tưởng chỉ cần thế nhưng bà ngoại bảo là làm thế thì không khác gì món ngô luộc trộn xôi. Làm rồi mới thấy những món ăn giản dị của Việt Nam thật ra rất kì công. ^^


Nguyên liệu:

1kg gạo nếp ngon
200gr đỗ xanh
3-5 bắp ngô nếp tùy to hay nhỏ
hành tím
muối
vôi ăn trầu

Chế biến hạt ngô:

1. Ngô nếp tách ra từng hạt rồi ngâm với nước 12 tiếng. Sau 12 tiếng loại bỏ những hạt nổi lên trên vì đó là hạt lép.
2. Vôi đã tôi pha với nước để lắng gạn lấy nước trong rồi cho ngô vào ninh khoảng 30 phút. Pha nước vôi theo tỉ lệ 1 thìa cà phê vôi với 1lít nước.
3. Đổ ngô ra rổ, xả nước và sau đó bóp hạt ngô cho vỏ ngô bong hết ra. Sau khi ninh với vôi, vỏ ngô sẽ mềm, khi ta bóp thì nó sẽ ra những cái màng bé li ti. Bóp cho sạch hết những cái màng đó. Vo lại cho sạch.
4. Ninh ngô với nước thường khoảng 15 phút cho ra hết nhớt.
5. Đổ ngô ra xả sạch, ngâm với nước vài giờ hoặc qua đêm, thỉnh thoảng thay nước nếu có thể.  Sau khi đã ngâm đủ thì có thể đem ngô đi nấu xôi hay chè.

Khi nấu xôi thì trước khi nấu nên ninh ngô với muối khoảng 15-20 phút cho đậm đà rồi mới trộn với nếp để đồ xôi.

Nấu xôi:
1. Gạo nếp và đỗ xanh vo sạch, ngâm với muối qua đêm.
2. Trộn nếp, ngô cùng với muối sau đó cho vào trõ hấp chín.
3. Đỗ xanh đem hấp chín rồi giã nhỏ và nắm thành từng viên tròn.
4. Hành tím thái lát, phi vàng.

Khi ăn thì dùng dao thái đậu xanh thành từng lát thật mỏng đặt lên trên xôi và rắc hành phi.

Tips:

- Đỗ xanh chỉ hấp và giã nhỏ chứ không nấu vì sẽ bị nhão.
- Nếu nấu bằng ngô tươi thì giữ lại vỏ ngô, cùi ngô, râu ngô cho vào dưới trõ cùng nước, như vậy xôi sẽ có nhiều mùi thơm của ngô.
- Ngô bên mình trồng là xứ lạnh nên ngô hơi cứng hơn ở nhà một chút, nếu ở nhà là ngô non mềm, dẻo thì có thể giảm thời gian ninh ngô.


Tuesday 9 September 2014

Bánh da lợn


Bánh da lợn, cái tên nghe dân dã làm sao. Nghe cái bánh da lợn thì ai cũng nghĩ là bánh xuất xứ từ miền bắc ý nhỉ ( nếu là miền Nam thì phải gọi là bánh da heo chứ :P ), nhưng bánh da lợn lại là món bánh đặc trưng của Nam Bộ. 
Có nhiều người nói với mình bánh da lợn và bánh chín tầng mây là một, có người lại nói bánh da lợn và chín tầng mâu khác nhau vì bánh da lợn có đậu xanh còn bánh chín tầng mây thì không có đậu xanh. Thôi thì hiểu sao cũng được nhỉ. Ai thích ăn đậu xanh thì ăn bánh da lợn, ai không thích thì ăn bánh chín tầng mây. Như vậy cho dễ phân biệt. :D
Mình thì không thích lớp đậu xanh của bánh da lợn lắm, toàn bóc đi, nhưng mẹ mình thì lại thích có lớp đậu xanh bùi bùi. Vậy nên mình làm bánh da lợn chứ không làm bánh chín tầng mây. ^^


Phần bột xanh :
- 200gr bột năng
- 30 gr bột gạo
- 250 gr đường
- 425 ml nước lá dứa / nước lọc
- màu xanh/ pandan pasta (nếu dùng nước lọc)
Phần đậu xanh :
- 60 gr đậu xanh
- 50 gr bột năng
- 50 gr bột gạo
- 175 ml nước cốt dừa pha loãng
- 150 gr đường.

Cách làm :

Phần bột xanh

Lá dứa rửa sạch cho vào máy xay với lượng nước vừa đủ, lọc lấy nước bỏ bã, cân đúng lượng nước như công thức.
Trộn đều nước lá dứa với nguyện liệu còn lại và lọc qua rây cho mịn.

Phần đậu xanh:

Đậu xanh ngâm nở nấu chín nhừ, rồi xay nhuyễn cùng nước cốt dừa và đường.
Pha hỗn hợp đậu xanh xay cùng với những nguyên liệu còn lại. Lọc qua rây cho mịn.

Đun sôi nước và đặt xửng lên để hấp bánh. Dùng một chiếc khăn to buộc nắp của nồi hấp để nước không nhỏ xuống bánh.
Quết 1 lớp dầu vào khuôn đặt khuôn vào xửng, mở lửa trung bình. Đổ 1 lớp xanh vào khuôn đậy nắp để khoảng 5 phút, mở nắp ra đổ tiếp phần bột vàng vào, lại chờ thêm khoảng 7 phút nửa, tiếp tục mở nắp đồ phần bột xanh vào và hấp, cứ thế làm thành nhiều lớp như ý muốn. Sau khi bánh đả đỗ đủ lớp thì để hấp thêm khoảng 10 - 15 phút tuỳ theo bánh nhiều lớp hay ít lớp.



Ct gốc theo Thiennabep

Wednesday 3 September 2014

Bánh nướng trung thu - Công thức nước đường, vỏ bánh và nhân thập cẩm.


Bánh nướng là món bánh khá nhiều người thích và đa số là thích hơn cả bánh dẻo vì bánh ít ngọt hơn. Mình nhớ hồi bé mình chỉ thích bánh nướng nhân đậu xanh trứng muối,nhưng từ khi biết làm bánh trung thu và làm thử nhân thập cẩm thì mới thấy bánh thập cẩm mới thật sự là ngon nhất. :)
Hôm nay mình viết bài chia sẻ cách mình hay làm, tuy là bây giờ thì có lẽ muộn mất rồi vì sắp hết mùa trung thu, nhưng mà mình cũng mong là bài viết của mình vẫn có thể giúp ích cho mọi người. :)


Nước đường

(Nước đường nên nấu càng sớm càng tốt, thậm chí, năm nay nấu cho năm sau.).

(A)
1kg đường
600ml nước nóng
2 lát chanh

(B)
200gr đường
50ml nước


Thực hiện
Cho nguyên liệu (B) vào nồi nhỏ, bắc lên bếp đun lửa trung bình
Trong một nồi khác, đun sôi 600ml nước
Khi đường trong (B) chuyển màu caramel, lắc tròn cái nồi (không được khuấy). (Tắt bếp cho caramel nguội bớt rồi mới đổ nước sôi vào, nếu không caramel bị sôi mạnh bốc hơi sẽ bắn tung tóe rất dễ bị bỏng)
Đổ nước sôi vào nồi caramel, cho 1kg đường và 2 lát chanh vào. Khi sôi, vặn nhỏ lửa và đun khoảng 45~60 phút, tới khi nước sánh lại
Khi nguội, cho vào chai, để dành tới khi cần dùng



Vỏ bánh (cho 20 bánh cỡ 50~60gr)

Nguyên liệu: 

200gr nước đường làm bánh nướng từ ct trên
1tsp nước tro tầu
1/4tsp baking soda
50gr peanut oil (có thể dùng dầu ăn thường nhưng dầu lạc giúp bánh mềm hơn)
320gr - 350gr bột mỳ

Cách làm:

1. Trộn lẫn nước đường, nước tro tầu, baking soda và dầu ăn vào một tô nhỏ. Để nghỉ 4 tiếng.
2. Trộn đều hỗn hợp nước đường và bột cho trộn đều, tới khi bột mịn mặt là được. Để bột nghỉ 30 phút.
3. Chia bột thành các viên nhỏ, theo kích cỡ của khuôn.




Nhân thập cẩm (Cho 12 cái bánh 100g hoặc 10 cái 150g)
120g hạt điều rang chín
120g vừng trắng rang chín
120g hạt dưa bóc nõn, rang chín
120g lạp xường loại ngon
120g mứt bí
120g mứt sen
100g mỡ đường
Lá chanh vài lá
Nước sốt trộn nhân
100gr nước đường bánh dẻo (nấu theo tỉ lệ 1kg nước -700gr đường)
1 tsp hắc xì dầu
10ml dầu mè
20ml rượu Mai quế lộ / rượu trắng loại ngon
50g bột nếp rang chín (bột bánh dẻo)
10gr ngũ vị hương (nếu dùng rượu trắng)

Cách làm
- Cách làm mỡ đường: 100g mỡ gáy, xắt hạt lựu, luộc sôi khoảng 3 phút, vớt để ráo nước rồi trộn với 2-3 thìa đường, xóc đều cho ngấm. Để mỡ đường nơi có gió để phơi cho mỡ đường trong lại là được. Nên làm mỡ đường trước 3-4 ngày.
- Mứt bí, mứt sen xắt nhỏ như hạt lựu.
- Lạp xường xắt nhỏ, lá chanh thái sợi

- Tất cả các nguyên liệu cho vào tô to, trộn đều với nhau.  Cho từ từ nước sốt đã trộn ở trên vào. Sau đó cho từng thìa bột bánh dẻo vào, vừa cho vừa trộn đều. Thử nắm xem các nguyên liệu có kết dính được với nhau chưa, nếu rời rạc thì cho thêm nước sốt. Nếu ướt quá thì cho thêm bột bánh dẻo. Khi các nguyên liệu có thể nắm lại chắc thành 1 khối là được. 
Khi nắm nhân xong, bọc kín và để nhân tủ lạnh qua đêm cho nhân cứng cáp sẽ dễ đóng bánh hơn.
Nên để nhân hơi có độ ướt chút xíu vì để tủ lạnh qua đêm nhân sẽ hơi khô đi phần nào.


Đóng và nướng bánh

Tỉ lệ nhân và vỏ bánh nướng là khoảng 1/3 vỏ, 2/3 nhân. Vậy nên tùy theo kích cỡ khuôn thì nên chia nhân như sau.
Tỉ lệ vỏ và nhân này mọi người có thể thay đổi một chút nếu thích ăn nhiều vỏ hơn.

Khuôn 100gr: 35 vỏ, 65gr nhân
Khuôn 125gr: 45 vỏ, 80gr nhân.
Khuôn 150gr : 50vỏ, 100gr nhân
Khuôn 200gr: 65gr vỏ, 135gr nhân
Khuôn 250gr: 85gr vỏ, 165gr nhân

1. Dàn mỏng vỏ bánh và bọc nhân vào, miết khéo để không khí không lọt vào.
2. Đóng khuôn, nên áo một chút bột áo cho đỡ dính.
3. Lò làm nóng trước, nhiệt 175C-180C (tùy theo bánh cỡ to hay nhỏ và tùy từng lò mà điều chỉnh nhiệt cho phù hợp)
4. Cho vào lò nướng khoảng 5-10 phút (tùy cỡ bánh), tới khi vỏ bánh se lại, màu vàng nhạt và có màu đục đục.
5. Bỏ khay bánh ra, xịt nước lên mặt bánh, để nghỉ 10 phút rồi phết trứng lên mặt bánh, nướng tiếp 5-10 phút tới khi bánh vàng rộm là đc. Khi nguội bánh sẽ xuống màu đậm và đẹp hơn
Bánh nướng nên để 1, 2 ngày cho dầu từ nhân bánh ngấm ra lúc đó bánh mới mềm, ngon.

Cách nướng bánh khác của mình:

Nướng 200 độ C. Nướng 4 lần. Mỗi lần không quá 5 phút.

Lần 1:Nướng 2 lửa trong vòng 5 phút.
Lấy bánh ra xịt nước cho nguội. Nghỉ ít nhất 20 phút. Sau đó quết trứng.

Lần 2: Nướng 2 lửa trong vòng 5 phút.
Lấy bánh ra xịt nước cho nguội. Nghỉ ít nhất 20 phút. Sau đó quết trứng.

Lần 3: Nướng 2 lửa trong vòng 5 phút.
Lấy bánh ra xịt nước cho nguội. Nghỉ ít nhất 20 phút. Sau đó quết trứng.

Lần 4: Nướng lửa trên. Đặt 1 phút sau đó xoay chiều khay, nướng tiếp 1 phút. Sau 2 phút vừa nướng vừa trông, cẩn thận không sẽ bị cháy xém!!!!!!

Cách nướng bánh thì mình thấy mỗi người nướng khác nhau vì lò khác nhau, nhiệt khác nhau, cái này mọi người nên thử xem cách nào thích hợp nhất. Và mọi người lưu ý là nướng khay màu đen bánh bao giờ cũng nhanh vàng hơn khay sáng màu, nên khi nướng khay đen mọi người cần để ý nhiệt giảm đi một chút nếu thấy bánh nhanh vàng quá.







Nguyên nhân và cách khắc phục bánh bị mất nét:

1. Bột quá nhão cũng sẽ khiến bánh khi nướng bị mất nét, vậy nên khi trộn bột nếu bột bị ướt mình cần cho thêm bột. Nhưng ở ct này mình cho 350gr bột thì không còn hiện tượng bị nhão.

2. Bột quá khô cũng làm cho bánh bị mất nét, đồng thời sẽ xuất hiện những vết nứt, bánh không mịn màng. Bột bị khô do để lâu, mặc dù có bọc nilon những không tránh khỏi trường hợp bột khô và hơi dai. Thành ra mấy cái bánh gần cuối của mình do bột bị khô nên hoa văn cũng không đẹp và có những vết nứt. 
Nếu mọi người làm bánh 1 mình thì chỉ nên trộn mỗi lần theo như công thức, không nên trộn quá nhiều, đóng bánh không kịp sẽ bị khô bột, lúc đó bao bánh với nhân rất khó và nướng xong cũng không đẹp.

3. Quết quá nhiều trứng và dùng không đúng chổi. Khi ta quết quá nhiều trứng lên bánh, khi nướng trứng sẽ tạo thành bóng bóng, thành ra bánh nhìn không mịn màng đẹp mắt.
Có nhiều người quết bánh bằng chổi silicon nên hoa văn và màu bánh không hề đẹp. Chổi quết bánh nên dùng loại cọ lông mềm hay dùng để vẽ của các bạn mỹ thuật ý ạ. Mọi người chọn chổi lông sợi nhỏ, mịn và mềm, quết bánh rất đẹp.
Có thể nhiều người có tâm lý quết nhiều trứng cho màu đẹp nhưng sự thật không phải như vậy. quết vừa đủ. Khi nhúng cọ vào trứng thì không nên quết ngay lên bánh mà cần gạt hết nước trứng trên cọ đi ạ. Sau đó dựng đứng cọ theo góc 90 độ, quết nhanh lên khắp mặt bánh. Quết nhanh và vuông góc như vậy thì đầu cọ chỉ chạm vào những hoa văn nổi nhất và như vậy mặt bánh sẽ có màu sáng tối rõ rệt, giúp cho hoa văn nhìn nổi hơn.

Chọn khuôn: Khuôn bánh nướng khá dễ chọn, tất cả các hoa văn đều có thể đóng bánh rất đẹp. Hiện tại có khá nhiều loại khuôn đóng bánh trung thu như khuôn gỗ, khuôn nhựa, khuôn lò xo v..v. Bây giờ các mẹ/ các chị còn sáng tạo ra dùng khuôn ép cơm bento để đóng bánh rất dễ thương.

Khuôn nhựa thì chỉ cần rửa sạch là xong. Còn khuôn gỗ thì bảo quản cầu kì hơn và đóng bánh cũng lâu hơn.
Nên tránh rửa khuôn gỗ vì gỗ sẽ dễ bị cong. Chỉ nên rửa lần đầu khi mới mua về, sau đó để ráo rồi ngâm dầu ăn một tuần rồi vớt ra để ráo mới dùng. 
Mỗi lần dùng xong thì rắc bột mì vào khuôn sau đó dùng khăn giấy và chổi phủi sạch.
Sau mùa trung thu lại ngâm khuôn trong dầu ăn một tuần, vớt ra để ráo rồi cất đi. Tránh phơi nắng.

 Mỗi lần ngâm dầu như vậy, dầu sẽ ngấm vào gỗ và sẽ dễ đóng và bánh sẽ đẹp hơn. Vì lí do đó mà khuôn gỗ trung thu lâu năm rất quý. :)


(Công thức gốc: bakingfun (nguyệtva)
myaneme.net
 blog Opera Andee)

Friday 15 August 2014

Bánh dẻo trung thu. ^^



Từ bé đến lớn hai từ Trung Thu đối với mình đều rất là dễ thương. Nhớ hồi bé mỗi năm đều mong trung thu như là mong sinh nhật của bản thân mình vậy. Nhắc đến trung thu thì phải nhắc đến bánh nướng, bánh dẻo nhưng hồi bé thì mỗi dịp trung thu là mình chẳng bao giờ nghĩ đến bánh trung thu mà toàn là mặt nạ, lồng đèn, mâm ngũ quả, hồng ngâm, chó bông bưởi. Bánh trung thu với mình chỉ là một loại bánh rất đẹp nhưng không hề ngon vì nó ngọt quá mức cho phép. Hồi bé mình chỉ ăn được duy nhất bánh nướng nhân đậu xanh của kinh đô và mấy cái bánh dẻo chay hình chú cá, chú thỏ. Còn đâu là mình chỉ cần nhìn thấy bánh trung thu nhân thập cẩm là chạy dài luôn. Còn bánh dẻo có nhân thì không bao giờ mình đụng. ^^
Vậy mà đến khi lớn rồi, không còn đèn lồng, mặt nạ, đồ chơi. Sống xa Việt Nam nên cũng không còn chó bưởi hay hồng ngâm nữa, vậy nên mỗi dịp trung thu mình chỉ còn háo hức vào những chiếc bánh dẻo, bánh nướng mà thôi. Háo hức là thế, nhưng mà mình vẫn không cảm thấy ngon miệng khi ăn bánh trung thu bán ở cửa hàng. Mình cảm giác chiếc bánh đậu xanh trứng muối của kinh đô ngày nào cũng không còn được ngon như xưa nữa. Mỗi năm chất lượng càng tệ hơn. Vậy nên khi lên mạng mình thực sự cảm thấy phấn khích khi thấy mọi người làm bánh trung thu homemade và thế là mình lại lao đầu vào làm thử, mấy cái bánh đầu không đẹp cũng không ngon nhưng cũng đủ làm mình vui đến thế. Vậy là mỗi năm mình lại háo hức đến mùa trung thu không phải để chơi cũng không phải để ăn, mà là để được làm bánh. Được cảm nhận niềm vui khi mọi người thích bánh của mình làm ra.

Tính cả năm nay thì mình cũng làm bánh nướng, bánh dẻo được 6 mùa trung thu rồi. Vậy mà mỗi năm đều hồi hộp bỡ ngỡ như lần đầu tiên vậy. ^^

Hôm nay mình chia sẻ với các bạn kinh nghiệm cũng như công thức làm bánh trung thu nhé. Mình chỉ là tự học, tự làm thôi nên vẫn còn phải học hỏi nhiều. Mình mong là sẽ nhận được nhiều kinh nghiệm từ mọi người.




Đầu tiên là cách làm bánh dẻo thơm mùi nếp và hoa bưởi. ^^


Nước đường bánh dẻo không như nước đường bánh nướng là phải để lâu, nước đường bánh dẻo nấu xong để nguội là có thể làm bánh luôn.
Bột bánh dẻo là bột nếp được rang chín bán sẵn chứ bột nếp mình tự rang không có làm được bánh dẻo. Có nhiều cách làm bột nếp rang hay làm bánh dẻo mà không dùng bột bánh dẻo nhưng mình chưa thấy cách nào ổn cả.

Nước đường bánh dẻo:

Cách 1 :

1kg đường cát + 1kg nước lã khuấy đều, sau đó bắt lên bếp lửa trung bình đun lên thấy sôi thì tắt bếp (thấy nước bắt đầu sôi thì để cho sôi khoảng 10 giây là tắt bếp), ko khuấy đảo trong quá trình nấu.Cách này dễ nấu và dùng cho bánh ăn trong vài ngày, bánh ko để lâu đc.

Cách 2 :
1kg đường cát + 1kg nước lã khuấy đều, sau đó bắt lên bếp lửa trung bình. Sau 20 phút thì cho nước cốt 1 trái chanh vào khuấy nhẹ và 5 phút sau thì tắt bếp. Cách này có thể để bánh lâu hơn cách 1 nhưng lại rất ngọt.

Cách 3:
1kg đường cát + 1kg nước lã khuấy đều, đun lửa vừa khi nước đường sôi thì cho nước cốt của một quả chanh vào đun thêm 5 phút rồi tắt bếp. (Không khuấy đảo trong quá trình nấu và sau khi cho nước cốt chanh cũng không khuấy)

Có thể giảm lượng đượng xuống khoảng 800gr, nhưng mà bánh không để được lâu , 2-3 ngày hay cao nhất là 4 ngày, mà nước đường ngọt một chút thì bánh cũng đứng và sắc nét hơn.
Nước chanh nên lọc ra cho sạch hạt và tép chanh để nước đường được trong. Nước chanh giúp cho nước đường không bị lại đường. Không ảnh hưởng đến vị của bánh.




Vỏ bánh dẻo: (công thức làm được 1400gr vỏ bánh)

1kg nước đường (nấu theo cách 3)
500gr bột bánh dẻo
2 thìa bột làm bột áo
2 thìa soup dầu thực vật (mình thích dùng dầu dừa)
2 thìa soup nước hoa bưởi

1. Bột bánh dẻo cân rồi chia làm 3 phần bằng nhau.
2. Cho dầu ăn và nước hoa bưởi vào nước đường rồi khuấy đều.
3. Dùng thìa múc từng muỗng bột bánh dẻo từ phần bột đã chia. Cứ vừa thêm bột vừa khuấy. (có thể dùng máy đánh trứng stand mixer hay cầm tay đều được, dùng máy đánh trứng bột mịn và không bị vón cục, quấy đỡ mỏi tay hơn)
4. Tiếp tục cho phần bột thứ 2 vào khuấy. Lúc này bột sẽ đặc lại và nặng tay hơn, khuấy đều cho bột không còn bị vón cục.
5. Khi bột đã tương đối đều rồi thì ta đổ phần bột khô còn lại ra bàn và nhào cùng khối bột bánh cho đến khi tất cả bột bánh dẻo thấm vào khối bột.

Chia bột theo trọng lượng của khuôn. Ấn dẹt, bọc nhân và đóng khuôn. Khuôn bánh nên áo chút bột áo. Nên đậy bột chưa dùng bằng màng bọc thức ăn cho khỏi khô.



Nhân đậu xanh.
Nguyên liệu : (cho khoảng 950g thành phẩm nhân)
350g đậu xanh cà vỏ
250g đường cát
50g bột bánh dẻo
100g dầu ăn, chia làm 2
Cách làm :
Đậu xanh ngâm nước cho nở, sau đó đổ nước ngập đậu nấu chín mềm.
Đổ đường vào đậu đã nấu chín, lúc này đậu sẽ mềm ra và ướt hơn. Dùng máy xay sinh tố hay máy xay cầm tay xin mịn đậu cùng 50gr dầu.
Đổ đậu ra chảo và sên ở lửa trung bình cho khô lại. 


Khi đậu đã sệt lại và bớt dính thì quậy 50g dầu ăn còn lại với bột bánh dẻo rồi đổ vào chảo đậu, xào đảo tiếp đến khi nhân khô, ko dính tay là tắt bếp.
Cân nhân vo tròn rồi để tủ lạnh qua đêm cho khô ráo.
Với các loại đậu và hạt sen làm tương tự như vậy, điều chỉnh lượng đường cho vừa ăn. Nếu muốn nhân vị trà xanh thì quậy bột trà xanh cùng bột bánh dẻo và dầu ăn.
Tỉ lệ nhân và bột bánh dẻo thường là 1/3 nhân và 2/3 vỏ.
Khuôn 100gr: 30gr nhân, 70gr vỏ.
Khuôn 150gr: 45gr nhân, 105gr vỏ
Khuôn 200gr : 60gr nhân, 140gr vỏ
Khuôn 250gr: 75gr nhân, 175gr vỏ

Tips:

- Có nhiều công thức bánh dẻo có nói là nên để bột nghỉ 30 phút rồi mới đóng bánh và có công thức là đóng bánh luôn.

Theo như mình thấy thì cái này còn tùy vào nước đường mình nấu, loại bột mình dùng. Vậy nên nếu phân vân thì mình thử nhào 250gr bột mỗi lần. Thử cả 2 cách xem cách nào hơn.

Mình hay thử theo cách là sau khi nhào bột đóng thử một cái bánh. Nếu bánh đứng, sắc nét thì nên đóng bánh luôn không cho bột nghỉ. Còn đóng thử mà thấy bánh ẽo ợt, dần dần mất dáng thì nên để bột nghỉ 30 phút rồi tính tiếp. Nếu bột vẫn ướt thì nên cho thêm một chút bột để nhào nhưng không cho thêm nhiều.

Riêng công thức mình viết bên trên thì mình khuyên các bạn nên đóng bánh luôn. Nhưng còn tùy vào độ hút nước của bột bánh dẻo của các bạn nên mình chỉ khuyên vậy thôi. Mọi người thử làm nửa công thức mỗi lần và cảm bột nhé. :)

- Nếu như khi đóng thử bánh mà thấy bột đủ độ rồi thì nên đóng luôn không cho nghỉ nữa, vì nếu nghỉ thì bánh sẽ khô quá, thành hình, khi đóng bánh vào khuôn, để một lúc bột bánh sẽ vẫn bị co lại giống như hình dáng lúc chưa đóng >> mất hoa văn.

- Chọn khuôn cho bánh dẻo cũng khác với bánh nướng, khuôn càng đơn giản, hoa văn to sâu thì đóng bánh dẻo rất đẹp. Những khuôn có họa tiết nhỏ và tỉ mỉ thì để đóng bánh nướng sẽ đẹp hơn.

- Khuôn lò xo đóng bánh dẻo theo công thức truyền thống rất khó đẹp. Chỉ có một số mặt khuôn đơn giản (vd. đường kẻ) mới đóng bánh dẻo đẹp được.





(Công thức gốc Andee - my opere blog)

Tuesday 17 June 2014

Kem xôi dừa


Có thể nói đây là món ăn tuổi thơ của mình bên cạnh chè thập cẩm. Mình nhớ hồi 6-7 tuổi thực đơn ở các hàng chè còn có thêm một món mới, hồi đó thấy cực lạ mà ăn thử lại thấy cực ngon. Mình nhớ mỗi lần ăn xong một cốc chè mình vẫn có thể chén thêm một bát kem xôi nhỏ nữa. Ăn xong bát kem xôi vẫn còn thòm thèm muốn ăn tiếp, nhưng mà khổ nỗi thân hình mình từ bé đến lớn lúc nào cũng mũm mĩm nên mọi người không cho ăn nhiều.
Đáng lẽ hè năm nay mình có kế hoạch về Việt Nam, nhưng vì nhiều lý do nên phải hoãn kế hoạch lại. Nằm ở nhà mà nghĩ thèm đủ món ăn vặt và hoa quả của Việt Nam. Thôi thì không được ăn ở Việt Nam thì mình đành lăn vào bếp tự làm tự thưởng thức vậy. 
Lục lọi lại hương vị trong kí ức để nấu lại món kem xôi ngày nào, nhưng mà món xôi kem mình từng ăn nó giản dị lắm. Xôi được đựng trong chiếc bát nhỏ xinh, trên là một viên kem, cuối cùng được rắc thêm dừa nạo và lạc rang. Xôi và kem thơm mùi dừa, còn lạc rang thì bùi bùi. Thật sự là rất ngon. <3 <3 <3



Xôi 

- 500 gr gạo nếp
- 50gr nước cốt dừa
- đường
- muối
1. Ngâm gạo qua đêm hoặc tròn một ngày. Trong nước ngâm gạo có hòa một nhúm muối.
2. Đổ gạo ra rá vo lại, để ráo nước rồi xóc với một chút muối cho đậm đà.
3. Xôi ngon nhất là được đồ bằng chõ. Nước sôi thì cho gạo vào đồ. Đồ gạo trong 45 phút. Mỗi 15 phút xới đều xôi và trộn với 1/3 lượng nước cốt dừa. 
4. Xôi chín thì trải ra khay/mâm trộn với đường sao cho vừa miệng rồi trải đều ra cho xôi nguội.

Kem 
- 300ml kem tươi (heavy cream > 35%)
- 150-180gr sữa đặc có đường
- 120gr nước cốt dừa
- 10gr bột béo/bột bắp
1. Để hộp đựng kem vào trong ngăn đá 4-6 tiếng.
2. 120gr nước cốt dừa + 10gr bột béo hòa tan cho lên bếp đun lửa vừa. Khuấy liên tục cho đến khi hỗn hợp sôi và sánh lại. Bắc ra để nguội.
3. Trong lúc chờ hỗn hợp nước cốt dừa nguội. Để kem tươi, thau và que đánh vào trong ngăn đá 15 phút cho lạnh. Sau 15 phút đánh bông kem tươi.
4. Hỗn hợp sữa dừa trộn đều với sữa đặc. 
5. Đổ hỗn hợp sữa vào trong âu kem tươi đã đánh bông và trộn theo kiểu fold nhẹ nhàng theo một chiều từ dưới đáy vòng lên giống như trộn bột bánh bông lan. Khi trộn xong hỗn hợp sẽ không quá loảng mà khá đặc và mịn mượt.
6. Đổ hỗn hợp kem vào hộp đựng đã được làm lạnh và cất trong ngăn đá ít nhất 6 tiếng. 

Kem xôi:
- Xôi
- Kem
- Dừa nạo
- Lạc rang
Xới xôi đã nguội xuống đáy bát, múc kem lên trên và rắc dừa nạo và lạc rang chín giã dập lên trên. Kem xôi ngon và mát nhưng cũng nhanh ngán nên trình bày vào bát nhỏ xinh sẽ ngon miệng hơn.




Tip:
- Khi dưới nước cốt dừa vào xôi, không nên dưới nhiều nước cốt dừa một lúc, như vậy nước cốt dừa sẽ không ngấm vào gạo mà lọt xuống đáy xoong. Nên chia nhỏ nước cốt dừa và dưới làm nhiều lần.
- Khi trộn hỗn hợp sữa và nước cốt dừa với kem đã đánh bông, nên trộn nhẹ nhàng sao cho hỗn hợp kem vẫn giữ nguyên được độ bông.
- Khi kem để quá lâu trong ngăn đá sẽ rất cứng và khó múc. Tùy vào độ lạnh của kem, nếu kem quá cứng nên để kem ra ngoài một chút cho bớt cứng, sau đó dùng thìa đã được ngâm vào nước sôi để múc kem. 




          Original ice cream recipe from Savoury Days

Monday 9 June 2014

Chè khúc bạch đậu nành.


Món chè này mình làm từ hai tuần trước nhưng mà vì em trai mình đi chơi mang laptop theo nên mình không có viết bài được. Món này nghe tên dài dòng hơn món chè nổi tiếng ở Việt Nam nhưng mà thực ra cũng không có gì đặc biệt cả. Món này mình làm thử nghiệm vì gia đình mình không ăn được nhiều chè khúc bạch làm từ kem và sữa tươi nên mình đã thay đổi kem và sữa tươi thành sữa đậu nành và kết quả là nhà mình rất hợp khẩu vị với cách làm này. Chè khúc bạch đậu nành thanh và ngọt mát, đặc biệt rất thích hợp cho những ai sợ tăng cân vì chè khúc bạch làm từ kem tươi rất béo mà. Phần hoa quả ngoài vải hay nhãn thì mình còn cho thêm mít thái sợi vào ăn cùng. Mùi thơm của mít làm cho món chè hấp dẫn hơn rất nhiều. <3



Công thức:

- 400 ml sữa đậu nành

- 1 hộp nhãn hay vải đóng hộp ngâm trong siro đường có thể dùng vải, nhãn tươi


- 1 hộp mít đóng hộp hoặc 6-7 múi mít tươi


- 200 gr đường


- 580 ml nước


- 30 gr bột gelatine


- hạnh nhân cắt lát rang vàng

Bước 1: Bột gelatine ngâm với 80 ml nước, để nở hết rồi đem quay trong lò vi sóng độ 30 giây cho tan, hoặc
nhúng đít bát gelatine vào nước sôi, khuấy cho gelatine tan ra.

Bước 2: Nấu 500 ml nước với 100 gr đường . Nếu dùng nhãn hay vải tươi thì bóc vỏ, bỏ hạt và nấu cùng 
nước đường. Đun khoảng 10-15 phút sau khi sôi để nhãn/ vải vừa chín tới, không bị nát, để nguội  rồi cất ngăn mát tủ lạnh.

Bước 3: Sữa đậu nành + 100 gr đường còn lại khuấy đều cho tan đường, bắc lên bếp đun lửa nhỏ và ngoáy liên tục để hỗn hợp sôi lên. Thêm gelatine đã làm chảy vào khuấy đều.


Bước 4: Đổ ra bát hoặc khuôn cho nguội rồi cất ngăn mát khoảng vài giờ chờ đông. Có thể để qua đêm cho thạch khúc bạch thật lạnh, khi ăn dùng dao răng cưa cắt miếng vừa ăn. 


Bước 5: Mít thái miếng sợi dày khoảng 0,5-1 cm.

Bước 6: Xếp thạch đậu nành, vải, nhãn, mít, hạnh nhân rang vàng, đá và chan nước đường đã ướp lạnh vào.

Tip:

- Sữa đậu nành khác với sữa tươi, cần được đun chín trước khi dùng.

- Nước đường và hoa quả cần chuẩn bị trước và cất trong tủ lạnh, sau đó mới làm thạch, như vậy các nguyên liệu sẽ được làm lạnh kĩ hơn.


Friday 11 April 2014

Bánh trôi ngũ sắc ^^

Bánh trôi ngũ sắc

Tết hàn thực qua rồi nhưng mà thứ ba vừa rồi mình lại làm thêm một mẻ bánh trôi để em trai mang đến trường minh họa cho bài thuyết trình về đồ ăn Việt Nam. Vì bài thuyết trình của em trai nói về những nguyên liệu được sử dụng trong ẩm thực Việt nên mình trộn thêm gấc, khoai lang, lá dứa ... vào cho phong phú và cũng để tạo màu cho bánh nữa.

Vui nhất là bánh trôi được các bạn Ba Lan hưởng ứng nhiệt tình. Lúc đầu em mình chỉ muốn làm ít để mỗi người thử một cái thôi, mình làm dư ra ông ấy cứ kêu mãi vì sợ không ăn hết lại phải cầm về mất công. Thế mà có thừa cái nào mang về đâu cơ chứ. ^^

Bánh trôi gấc


Nguyên liệu:
- Bột nếp
- Nước
- Đường thẻ làm bánh trôi
- Dầu ăn
- Khoai lang tím hoặc lá cẩm - bánh trôi tím
- Khoai lang vàng - bánh trôi vàng
- Lá dứa hoặc bột trà xanh - bánh trôi xanh
- Gấc - bánh trôi đỏ



Bánh trôi:

- 200gram bột nếp 
- 1 nhúm muối
- 1 thìa dầu ăn
- 160 ml nước (90-100ml nước sôi + 60- 70ml nước nhiệt độ bình thường)

Bước 1: Bột nếp trộn đều cùng muối. 

Bước 2: Hòa nước nóng và nước thường để có nước ấm. Cho thêm 1 thìa dầu ăn vào và đổ hỗn hợp nước dầu vào bột nếp. Dùng thìa khuấy đều, sau đó dùng tay nhào bột. Khi bột thành 1 khối mịn thì bọc nylon rồi để bột nghỉ 30 phút.

Nếu làm bánh trà xanh thì mình giảm 1 thìa bột nếp và thay bằng 2 thìa trà xanh. Tùy chất lượng của bột trà xanh mà cho ít hay nhiều.

Bánh trôi gấc

Bánh trôi gấc

- 200g nước gấc
- 220g bột nếp
- 1 thìa dầu ăn
- 1 nhúm muối

1. Thịt gấc bóp nhuyễn với một chút rượu trắng cho lên màu. Bỏ hạt gấc.
2. Cho gấc và nước vào xay bằng máy xinh tố cho nhuyễn. Lọc lại qua rổ cho mịn. Cho ít nước thì màu bánh sẽ đỏ đậm.
3. Đun nước gấc cho nóng nhưng mà không nóng già (80-90 độ C).
4. Cho dầu ăn vào quấy đều.
5. Bột nếp trộn đều cùng muối sau đó đổ nước gấc đã pha dầu ăn vào. Dùng thìa gỗ quấy đều, sau đó nhào bằng tay cho đến khi bột mịn thì bọc bột bằng nylon bọc đồ ăn và để bột nghỉ 30 phút.


Bánh trôi khoai lang vàng

Bánh trôi khoai lang

- 200 gr khoai lang vàng/tím đã nấu chín
- 100gr nước
- 260gr bột
- 1 thìa dầu ăn
- 1 nhúm muối

1. Khoai lang hấp/ luộc chín. Cho khoai và nước vào may xay sinh tốt xay nhuyễn.
2. Đun khoai đã xay lên cho nóng nhưng không nóng già hoặc có thể quay trong lò vi sóng.
3. Trộn dầu ăn vào hỗn hợp khoai.
4. Bột nếp trộn đều cùng muối, đổ hỗn hợp khoai đã pha dầu ăn vào, dùng thìa gỗ quấy đều sau đó nhào bằng tay cho đến khi bột mịn. Bọc bột lại và để bột nghỉ 30 phút.

Còn tùy vào loại bột nếp và khoai lang mà gia giảm lượng bột sao cho phù hợp. Nếu bột ướt thì cho thêm chút bột và bột khô thì cho thêm chút nước.
Bánh trôi khoai lang tím - kinh nghiệm đau thương do bánh nổi rồi mà quên không giảm lửa nên bánh bị "xí" :)


Bánh trôi lá dứa:

- 200gram bột nếp 
- 1 nhúm muối
- 1 thìa dầu ăn
- 160 ml nước lá dứa

1. Lá dứa rửa sạch, cắt nhỏ, cho vào may xay sinh tố xay nhuyễn cùng nước. Sau đó lọc bã lấy nước.
2. Đun nước lá dứa cho ấm nóng. Không đun kĩ vì sẽ làm lá dứa bị mất màu. Có thể quay bằng lò vi sóng.
3. Trộn dầu ăn vào nước lá dứa.
4. Bột nếp trộn đều cùng muối sau đó đổ nước lá dứa đã pha dầu ăn vào. Dùng thìa gỗ quấy đều sau đó nhào bằng tay cho đến khi bột mịn thì bọc bột bằng nylon bọc đồ ăn và để bột nghỉ 30 phút.

Nếu dùng nước lá cẩm thay vì lá dứa thì bánh sẽ có màu tím.

Bánh trôi trà xanh


Tip:

- Nhồi bột bằng nước ấm-nóng thì bột sẽ dễ nhồi hơn, khi nhồi bột bằng nước lạnh bột sẽ hơi nứt, không có độ kết dính nên khi nặn sẽ rất khó, nhưng nếu nhồi bằng nước nóng già thì bột sẽ bị chín, dẻo rất dính, cũng sẽ rất khó nặn.

- Trộn khoai lang vào bột không chỉ làm cho bánh có màu đẹp mắt mà còn giúp bánh mềm hơn, để đến hôm sau bánh vẫn không hề bị cứng.

- Tùy từng loại bột nếp mà lượng nước có thể gia giảm 1 chút cho phù hợp. Bột nếp mới sẽ hút nước ít hơn bột nếp cũ. 

- Trong lúc đợi bột nghỉ thì đun nước, rang vừng, chuẩn bị đường và 1 tô nước lạnh.

- Luộc bánh đến khi bánh nổi lên, giảm nhỏ lửa luộc thêm một chút cho bánh chín kĩ, đường chảy ra và để lâu bánh cũng sẽ không cứng. Khi bánh đã nổi lên thì không nên để lửa to, nước sôi mạnh sẽ làm vỡ bánh. Bánh chín vớt ra thả vào tô nước lạnh rồi mới vớt bánh ra đĩa. Chấm vừng lên từng trước bánh.




My Sweet Kitchen